Lẽ dĩ nhiên, bọn phong kiến, địa chủ, tư bản, đế quốc và bè lũ tay sai của chúng không ưa gì cách mạng. Nếu chúng ưa cách mạng mới là kỳ quái.

"Khi ưa, quả ấu cũng tròn; không ưa, bồ hòn cũng méo". Vì chúng không ưa cách mạng cho nên chúng bịa đặt, xuyên tạc, vu khống đủ thứ để nói xấu cách mạng. Bọn phát xít Đức, Ý, Nhật ngày trước, bọn đế quốc Mỹ ngày nay đã chiếm giải nhất trong nghề nói láo.

Bọn Diệm là tay sai và học trò của Mỹ, thế mà hiện nay tớ Diệm đã giành mất giải nhất của thầy Mỹ trong nghề này. Rõ là "măng mọc quá tre".

Mỗi ngày 2, 3 lần, báo chí và đài phát thanh của Diệm bịa đặt những chuyện dựng đứng để nói xấu miền Bắc ta. Chúng bịa đặt ra tên người, tên chỗ, ngày giờ, con số v.v. làm như chúng đã "nói có sách, mách có chứng", để lừa bịp đồng bào miền Nam, lừa bịp dư luận thế giới. Một thí dụ mới:

Về ngày Quốc khánh 2-9, đài phát thanh và báo chí của bọn Diệm đã đăng tin như sau: "... Ngày 2-9, quang cảnh đường phố Hà Nội tiêu điều ủ rũ như mang một mối sầu vô tận... Lễ duyệt binh tuần hành bắt đầu lại càng làm cho mọi người vô cùng chán ngán... Dân chúng bị bắt ép đi độ 100 người, lục tục kéo về dưới trời mưa u ám".

Như để đập vào mồm láo toét của bọn Diệm, Hãng thông tấn Pháp "A. F. P." đã viết đại ý như sau: "Tham gia duyệt binh có độ 5.000 bộ đội, cực kỳ chỉnh tề... Trong 2 tiếng đồng hồ, 12 vạn nhân dân nội và ngoại thành Hà Nội đã tuần hành với một tinh thần phấn khởi không thể tả, dưới một rừng cờ đỏ sao vàng và cờ xanh thêu chim trắng hòa bình...".

Báo chí và đài phát thanh của Mỹ - Diệm đã biến 17 vạn người vui vẻ biểu tình thành 100 người "bị ép và chán ngán". Nhưng vì chúng nói láo quá trắng trợn, kết quả là chúng không lừa bịp được ai, mà lại tự lột trần mặt nạ của chúng.

Tuy vậy, cơ quan tuyên truyền của ta và đồng bào ta cần phải đối phó kịp thời không nên để chúng già mồm nói bậy.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 556, ngày 10-9-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.132-133.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.