Tiếp tục một thế trận tồi tàn của "chiến tranh đặc biệt" đã phá sản, cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta ngay từ đầu đã sa vào tình trạng lực lượng phân tán trong một hệ thống chiếm đóng đầy sơ hở. Trong mùa khô 1965-1966, với hơn 20 vạn quân viễn chinh tăng lên đột ngột, bọn Oétmolen đã bạo tay dành hẳn một phần quân Mỹ, phần lớn chủ lực của quân ngụy, cùng với lực lượng bảo an, dân vệ làm nhiệm vụ chiếm đóng và "bình định", nhằm đánh phá phong trào du kích, củng cố chỗ đứng; đồng thời, tập trung một lực lượng cơ động chiến lược lớn để phản công ác liệt vào các vùng giải phóng, hòng tiêu diệt chủ lực của Quân giải phóng. Bằng cách ấy, chúng hy vọng, qua mùa khô, tình trạng phân tán lực lượng sẽ được thanh toán, thế trận sẽ trở nên vững vàng, quân cơ động chiến lược sẽ không ngừng tăng thêm và chúng sẽ "giành thắng lợi về quân sự". Nhưng cuộc phản công mùa khô của giặc Mỹ đã thất bại hoàn toàn, chương trình "bình định" của chúng cũng phá sản thảm hại.

Bọn xâm lược Mỹ đã không củng cố được chỗ đứng, lại mất một bộ phận sinh lực quan trọng, thế trận của chúng càng suy yếu. Không còn cách nào khác, bọn Oétmolen phải co lại thế thủ. Với chủ trương dùng hỏa lực thay lính, tránh đánh lớn, hạn chế việc ra quân, chúng hy vọng không những có thể giữ vững được các chốt chiếm đóng mà còn có thể thu về nhiều lực lượng, tập trung được thêm quân cơ động chiến lược cùng với những sư đoàn viễn chinh mới đưa vào để thực hiện một kế hoạch phản công lớn hơn nữa vào mùa khô 1966-1967. Nhưng những tính toán của chúng chỉ là viển vông. Từ sau mùa khô thắng lớn, quân và dân miền Nam càng phát huy mạnh mẽ quyền chủ động chiến lược, dùng hai quả đấm, đánh du kích và đánh tập trung liên tục tiến công vào toàn bộ trận tuyến của địch buộc chúng phải tiếp tục phân tán lực lượng, căng mình ra chịu đòn trên các chiến trường.

Trong khi cho quân cơ động chiến lược co lại, tránh đánh lớn, bọn xâm lược Mỹ đã bắt các lực lượng cơ động chiến thuật trong từng vùng, chủ yếu là quân ngụy và quân chư hầu, phải hành quân giải vây cho các chốt và thực hiện chương trình "bình định". Nhưng, trước sự lớn mạnh của chiến tranh du kích, những cuộc hành quân của địch, dù có tập trung lực lượng tới năm, bảy tiểu đoàn như ở Bình Định, Quảng Nam, Bà Rịa, Rạch Giá... cũng vẫn bị đập tan hoặc "càn" mà không "quét" được. Cuộc hành quân của hơn 1.000 quân Mỹ, ngụy vào mấy xã thuộc quận Cần Đước, tỉnh Long An trong mấy ngày cuối tháng chín vừa qua cũng bị quân du kích đánh cho tơi tả, hơn 200 tên chết, bọn còn lại phải lếch thếch rút chạy. Với kết quả hành quân như vậy, từ sau mùa khô, bọn xâm lược Mỹ đã không lập thêm được "ấp chiến lược", không tạo được vành đai an toàn cho các chốt chiếm đóng, mà nhiều "ấp chiến lược" còn lại của chúng cũng không giữ nổi khỏi bị phá nốt. Hệ thống đồn bốt càng trơ trọi và bị chiến tranh du kích tiến công liên tục khắp nơi. Quân địch không những bị uy hiếp ở trước mặt, ở sau lưng, hai bên sườn, mà còn bị uy hiếp từ trong ruột. Bọn Oétmolen cuống cuồng đối phó hết chỗ này đến chỗ khác.

Để giữ những vùng chiếm đóng, bọn xâm lược Mỹ phải đóng đồn bốt dày đặc. Ở Hòa Vang, một quận nhỏ của Quảng Nam, chỉ có hơn 100 thôn mà chúng phải đóng chốt tới gần 70 chỗ. Có tên còn yêu cầu "mỗi thôn phải có một chốt mới kìm kẹp được nhân dân, chống được chiến tranh du kích". Do đó, mặc dù đồn bốt bị tiêu diệt hết cái này đến cái khác, diện chiếm đóng bị dồn lấn, phải thu hẹp, nhưng con số hơn 3.000 căn cứ, đồn bốt vẫn không thể giảm bớt. Bọn xâm lược Mỹ phải tiếp tục phân tán lực lượng ra đóng chốt giữ đất, nhưng vì vụ âm mưu "bình định" phá sản, vì quân chiếm đóng mất tinh thần, không còn sức chiến đấu và lực lượng dân vệ tan rã mạnh trước phong trào đấu tranh sôi sục của nhân dân và các hoạt động ngày càng mạnh của quân du kích, cho nên khả năng tự vệ của các đồn bốt ngày càng yếu. Những chốt với lực lượng một vài trung đội, dù được máy bay, pháo binh ngày đêm dựng lên hàng rào lửa ở chung quanh, cũng vẫn không khỏi bị san phẳng sau một thời gian bị quân du kích bao vây, đánh lấn. Sau mùa khô, hàng trăm đồn bốt của địch đã bị nhổ hoặc buộc phải rút bỏ. Tại Quảng Trị - Thừa Thiên, trong tháng bảy và tám vừa qua, hàng chục đồn bốt đã bị quét sạch. Tại Quảng Ngãi, chỉ trong mười ngày tháng chín, 11 cứ điểm thuộc chi khu quân sự Hà Thanh đã bị tiêu diệt. Trong tình hình đó, bọn xâm lược Mỹ bắt buộc phải tăng quân cho các chốt chiếm đóng. Có hàng nghìn đồn bốt cần thêm quân. Oétmolen phải nhắm mắt xé thêm hàng nghìn trung đội, tiểu đội để ném vào các điểm phòng thủ. Đó là một số quân không nhỏ. Việc phân tán thêm lực lượng ra khắp nơi lại đẻ ra khó khăn về hậu cần. Số nhân viên làm nhiệm vụ tiếp tế, vận chuyển cũng phải tăng lên và xé lẻ ra nhiều nơi, càng tốn thêm quân và càng phân tán.

Trong khi đó, các đường giao thông lại thường xuyên bị đánh phá, bọn xâm lược Mỹ không thể không dành một lực lượng khá lớn vào việc giải tỏa và bảo vệ đường giao thông. Số lính sửa chữa cầu đường phải tăng thêm hàng nghìn tên, phải chia thành hàng trăm toán; quân canh gác, dò đường cũng phải thêm hàng chục đại đội, trung đội; các chốt ven đường cần đặt nhiều hơn và phải tăng quân cho chốt đó. Quân ứng chiến giao thông cũng cần nhiều hơn trước. Sau mùa khô, một bộ phận hải quân của ngụy phải túc trực ở sông Lòng Tàu; nhiều trung đoàn ngụy và hai lữ đoàn Mỹ phải rải ra trên đường số 13; gần một sư đoàn Pắc Chung Hy và hàng chục tiểu đoàn ngụy cũng không đủ rải trên một đoạn đường số 1 và đường số 19 ở Bình Định. Tuy thế, chúng cũng chỉ tạm thời giữ được từng đoạn đường và trong từng thời gian. Đường số 13b phá đến sát Sài Gòn; các đường số 14, 15... bị băm vụn ở nhiều đoạn. Còn có biết bao nhiêu đường nữa bị cắt phá cần có thêm quân để khai thông và bảo vệ! Những hoạt động di chuyển, tiếp tế của địch luôn luôn bị phục kích, tập kích. Mỗi chiếc tàu nhổ neo, mỗi chuyến xe nổ máy chúng đều phải có quân bộ đi theo. Di chuyển lớn, càng phải phân tán nhiều. Đưa một chuyến xe bọc thép từ Lai Khê theo đường số 13 lên giải vây, tăng quân cho Bình Long trên đoạn đường chừng 60 kilômét, chúng cũng phải rải toàn bộ lực lượng của sư đoàn ngụy số 5 và một lữ đoàn bộ binh Mỹ. Thế mà cuộc di chuyển vẫn không tránh khỏi bị phục kích, mấy chục xe tan xác trên đường. Ra sức đánh phá giao thông địch, chiến tranh du kích đã buộc địch phải phân tán ở mọi nơi, mọi lúc, bị căng ra trên toàn tuyến chiếm đóng để chịu đòn.

Phải phân tán lực lượng để đối phó ở điểm và tuyến, bọn xâm lược Mỹ còn phải phân tán lực lượng để giữ thành thị và các vùng hậu cứ. Từ sau mùa khô tới nay, phong trào đấu tranh của nhân dân các thành thị ngày càng lên mạnh và quyết liệt, làm cho ngụy quyền đã thối nát càng thêm nghiêng ngửa. Các trận đánh của quân du kích diễn ra hằng ngày. Hậu cứ của địch rối bời như canh hẹ. Các cơ quan đầu não, sở chỉ huy, kho tàng chiến lược luôn luôn bị tập kích. Trong ba tháng, các sân bay Vĩnh Long, Sóc Trăng... bị đánh tới ba bốn lần. Các sân bay An Khê, Nước Mặn và căn cứ hậu cần lớn ở Tân Sơn Nhất bị tiến công mạnh. Các thị trấn, thị xã như Mỹ Tho, Cần Thơ, Tam Kỳ, Quảng Ngãi,... bị đánh thường xuyên. Các thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn luôn luôn vang tiếng súng của quân du kích. Có đêm, lực lượng vũ trang giải phóng Sài Gòn đánh địch ở tám nơi một lúc. Những đồn cảnh sát lớn với lực lượng hàng trăm tên như Thủ Đức (Gia Định) cũng không tránh khỏi bị đánh sập. Trước những hoạt động ngày càng tăng của quân du kích, thành thị và hậu cứ của địch bị uy hiếp nặng nề, bất cứ chỗ nào cũng có thể bị đánh. Trong tình trạng ấy, bọn xâm lược Mỹ không thể không ném thêm quân vào đóng giữ các thành thị và tăng lực lượng canh giữ, bảo vệ sân bay, kho tàng, các cơ quan đầu não. Sau mùa khô, ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, bọn xâm lược Mỹ đã đưa thêm hàng trung đoàn đến chiếm đóng ngay trong thành phố hoặc vùng ngoại vi, nhưng chúng vẫn cảm thấy chưa yên, vì chưa đủ khả năng đối phó với bất trắc.

Buộc phải bị động giải quyết hàng loạt yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ phòng thủ, bọn xâm lược Mỹ tốn rất nhiều quân. Lính ngụy, lính chư hầu rải ra không đủ, chúng phải dùng đến một số lớn quân Mỹ làm nhiệm vụ giữ đất. Thậm chí một số sư đoàn cơ động chiến lược cũng phải phân tán, đóng chốt, và ứng chiến chiến thuật. Sư đoàn bộ binh số 25 của Mỹ phải rải ra chiếm đóng từ Củ Chi đến Tây Ninh. Hai lữ đoàn của sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ bị giam chân trên đường số 13. Nhiều tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ cũng bị ném vào Trị Thiên để đóng chốt và đối phó với các lực lượng vũ trang giải phóng ở đây. Một tên chuyên gia quân sự Mỹ đã phải kêu lên: "Lực lượng của chúng ta bị rải ra quá mỏng!". Một tờ báo Mỹ nhận xét: "Quá nhiều lính Mỹ bận vào các việc canh gác, giữ đất. Có lẽ cần tới 40 vạn quân nữa nếu muốn có thắng lợi quân sự!". Trước mắt, Oétmolen đang vã mồ hôi đi kiếm thêm quân để hòng ngăn chặn đà tiến của chiến tranh du kích ở Trị Thiên và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ bị phân tán binh lực, quân Mỹ còn phải phân tán hỏa lực. Vì bị bao vây, bị tiến công ở khắp nơi, đồn bốt nào cũng cần hỏa lực cứu nguy, cuộc hành quân nào cũng cần nhiều máy bay, đại bác chi viện, đường giao thông nào cũng cần phải bắn phá dẹp hành lang, nên hỏa lực của địch cũng buộc phải rải ra. Mục tiêu bắn phá rất nhiều, kết quả là bắn lung tung, tác dụng của hỏa lực bị giảm đi nhiều; việc oanh tạc của máy bay chiến lược B.52 cũng không đạt được yêu cầu chiến thuật!. Một phóng viên Mỹ đã kể lại việc dùng hỏa lực của quân Mỹ như sau: "Trọng pháo của quân Mỹ bắn liên tục suốt đêm. Nhưng không bắn vào một mục tiêu cụ thể nào cả, mà bắn lung tung vào hai bên các con đường nghi có Việt cộng qua lại". Hỏa lực bị phân tán như thế, cho nên trong mấy tháng vừa qua mặc dù bọn xâm lược Mỹ đã huy động hàng vạn lần chiếc máy bay, thả hàng chục vạn tấn bom, nhưng kết quả vẫn không gỡ nổi tình trạng phân tán binh lực, càng không thể làm suy yếu phong trào chiến tranh du kích và tiêu hao lực lượng vũ trang giải phóng.

Trong khi chiến tranh du kích, với thế tiến công chiến lược mạnh mẽ, đều khắp và liên tục, đã buộc bọn xâm lược Mỹ phải tiếp tục phân tán lực lượng và còn phải phân tán tới mức nghiêm trọng hơn nữa, thì những trận đánh tập trung với quy mô ngày càng lớn của Quân giải phóng lại buộc bọn xâm lược Mỹ phải tập trung lực lượng cơ động chiến lược to lớn để đỡ đòn. Do sự trưởng thành nhanh chóng của bộ đội địa phương, do mỗi tỉnh đều có thể đánh được những trận tương đối lớn, diệt gọn từng tiểu đoàn Mỹ - ngụy, cho nên những trận đánh tập trung của các lực lượng vũ trang giải phóng ngày càng nhiều và diễn ra trên mọi chiến trường. Vì thế, việc sử dụng lực lượng cơ động chiến lược của địch để đối phó cũng bị phân tán. Không có một đội quân cơ động chiến lược lớn mạnh, bọn xâm lược Mỹ sẽ càng rơi vào thế bị động thảm hại, không thể ngăn nổi những đợt tấn công liên tục và mạnh mẽ của Quân giải phóng. Thế trận của chúng càng không vững. Nhưng không cố giữ đất, chúng sẽ mất nốt những vị trí cuối cùng, không còn địa bàn để kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược. Thực tiễn trên chiến trường Trị Thiên đang chứng minh điều đó. Bọn xâm lược Mỹ đang mắc kẹt trong mối mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa tập trung và phân tán, cơ động và chiếm đóng. Chúng thiếu rất nhiều quân. Từ sau mùa khô tới nay, tháng nào cũng tăng thêm gần hai vạn lính Mỹ nhưng vẫn không giải quyết nổi mâu thuẫn đó. Tờ Tin Mỹ và thế giới ngày 22-8-1966 đã than thở: "Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một vùng quan trọng, chiến tranh du kích phát triển mạnh nhưng các tư lệnh Mỹ trên thực tế buộc phải làm ngơ vì không có đủ quân. Các sĩ quan Mỹ cho rằng cần phải có bốn sư đoàn Mỹ để chiếm giữ vùng này" và "Việt cộng có thể nuốt chửng những đợt quân Mỹ mới tới".

Quân và dân miền Nam càng đẩy mạnh thế tiến công liên tục của chiến tranh nhân dân, hai quả đấm đánh du kích và đánh tập trung sẽ càng khoét sâu hơn nữa mâu thuẫn này của bọn xâm lược Mỹ. Rõ ràng là bọn xâm lược Mỹ đang bước vào mùa khô thứ hai với một thế trận phân tán và suy yếu hơn trước. Chắc chắn chúng sẽ bị dìm sâu trong thế bị động và không tránh khỏi những thất bại nặng nề hơn mùa khô 1965-1966.

LÊ BA

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 4589, ngày 31-10-1966, tr.3.

Tin liên quan

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi đề từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911.
Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy theo tính chất công việc hoặc yêu cầu nhiệm vụ của từng lãnh vực công tác, từng giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng". Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng và nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.
Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.