Đó sẽ là lời thở than của vị Chủ tịch khóa họp thứ 18 của Liên hợp quốc.

Dưới chiêu bài chống cộng, Mỹ-Diệm đã và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc chống nhân dân yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Chúng khủng bố, tàn sát cả tầng lớp trí thức, sinh viên, học sinh, sư sãi và những người theo đạo Phật.

Ở Hội nghị Phật giáo của 11 nước châu Á (họp tại Bắc Kinh giữa tháng 10-1963), Hòa thượng Thích Thiện Hào (Chủ tịch Hội lục hòa Phật giáo miền Nam) đã tố cáo thêm rõ tội ác đẫm máu của Mỹ-Diệm. Cụ nói: ngoài 6 vị hòa thượng tự đốt mình, hơn 2.000 sư sãi bị bắt, nhiều vị sư bị chặt đầu, cắt lưỡi, khoét mắt… nhiều bà sãi bị hãm hiếp và bị mổ bụng, moi gan… gần 1.000 ngôi chùa bị đốt phá…

Hành động cực kỳ dã man đó của Mỹ-Diệm đã làm cho nhân dân lương thiện khắp thế giới căm hờn.

Hôm 19-8-1963, các đại biểu của nhiều nước Á - Phi đã nêu việc Mỹ - Diệm khủng bố Phật giáo và yêu cầu ông U Than (Tổng Thư ký của Liên hợp quốc) phải có cách đối phó.

Hôm 12-9-1963, chính ông U Than cũng nhận rằng: "Tình hình miền Nam Việt Nam là hỗn loạn nhất thế giới…".

Đầu tháng 10-1963, các đại biểu Xâylan Cămpuchia và 14 nước Á - Phi khác đã đòi Liên hợp quốc thảo luận vấn đề Nam Việt Nam. Đó là một cử chỉ rất chính đáng. Nhưng để hòng tránh khỏi bị lên án trước Liên hợp quốc, Mỹ đã giật dây xui chính quyền Diệm "mời" và xui vị chủ tịch khóa họp này "phái" một đoàn đại biểu sang miền Nam "quan sát".

Từ đó, bọn Diệm lại bí mật bắt thêm hàng trăm người phần lớn là sinh viên học sinh và những người khác bị tình nghi.

Hôm 23-10-1963, đoàn đến Sài Gòn thì bọn Diệm tuyên bố ngay: Chúng không muốn có bất cứ một sự điều tra hoặc một sự tìm hiểu nào về vấn đề Phật giáo… Chúng không coi đoàn của Liên hợp quốc là một đoàn điều tra hoặc một đoàn quan sát, đoàn ấy chỉ được tiếp chuyện với các quan chức (của Diệm)… Chúng cấm không cho đoàn đi thăm chùa Ấn Quang vì bà cụ Ưng Ủy (mẹ Bửu Hội) bị giữ ở chùa này, dưới sự canh gác nghiêm ngặt của hàng chục tên mật thám.

Nhục nhã hơn nữa, là bọn Diệm đã vạch sẵn chương trình "chiêu đãi" đoàn, gồm có những buổi tiệc ở hộp đêm và quán rượu, đi chơi thuyền trên sông Hương, đi xem phong cảnh và những cuộc giải trí có hướng dẫn! Nói tóm lại: bọn Diệm coi đoàn đó chẳng ra gì.

Thật là những cái tát cho ai đã mắc mưu Mỹ - Diệm!

Nếu Liên hợp quốc thật muốn biết rõ tình hình miền Nam thì sao không làm như các đại biểu 16 nước Á - Phi đã đề nghị, tức là đưa vấn đề miền Nam ra công khai thảo luận trước Đại hội đồng Liên hợp quốc? Gửi một đoàn như thế vừa vi phạm Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, vừa mang lại một sự bẽ bàng cho Liên hợp quốc.

Ai ngây thơ mấy cũng có thể đoán trước kết quả của đoàn "quan sát" sẽ ra sao.

Vậy có thơ rằng:

O Nu1 sao khéo lầu nhầu

Bỗng dưng mua não rước sầu làm chi?

CHIẾN SĨ

----------------------

Báo Nhân Dân, số 3500, ngày 28-10-1963, tr.4.


1. Liên hợp quốc, chữ Pháp viết tắt là ONU.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.