Thưa các bạn,

Em tên là Lu-xy, một nữ học sinh Mỹ da đen, kính thăm các bạn,

Sẵn đây, em kể chuyện em cho các bạn nghe: Vừa rồi, em xin vào trường đại học A-la-ba-ma (Mỹ), nhưng trường ấy không nhận, vì lẽ rằng em là người Mỹ da đen. Sau đó, Tòa án liên bang ra lệnh cho trường phải nhận em. Chắc các bạn lấy làm lạ rằng xin đi học mà cũng phải có Tòa án tối cao can thiệp, các bạn nhỉ? Nếu các bạn biết rõ người Mỹ da trắng đối đãi người Mỹ da đen thế nào, thì các bạn sẽ không lấy làm lạ.

Hôm 4 tháng 2, em ôm sách đến trường, thì độ 2.000 nam học sinh Mỹ da trắng tổ chức biểu tình thị oai. Họ dạo khắp phố và hò hét khẩu hiệu “A-la-ba-ma là của người Mỹ da trắng”. Rồi họ kéo về muốn tấn công nhà trường, vừa đi vừa đốt pháo om sòm. Rồi họ đốt hình chữ thập - Hình chữ thập là dấu hiệu hành động của Hội Kukluxklan. Kukluxklan là một tổ chức phát xít, thường ngược đãi và nhiều khi giết hại người Mỹ da đen. Cảnh sát da trắng Mỹ thấy vậy vẫn để mặc, không can thiệp. Cuộc biểu tình tiếp tục hai hôm liền!

Kết quả là em không được vào trường đại học.

Em gửi các bạn thư này, vì em biết rằng trước ngày miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, người Mỹ đã đến tuyên truyền “dân chủ, tự do” kiểu Mỹ ở xứ sở các bạn; và cũng có một số người Việt Nam tin Mỹ, phục Mỹ. Và ngày nay, Mỹ đã gửi hàng tấn sách và phái nhiều giáo sư Mỹ sang “khai hóa” cho học sinh và thanh niên miền Nam Việt Nam. Trong lúc họ áp bức và khinh rẻ người Mỹ da đen thì họ lại làm ra vẻ yêu chuộng và nâng niu người Việt da vàng. Các bạn thử nghĩ xem, Mỹ nhằm mục đích gì? Phải chăng họ giả nhân giả nghĩa để đưa người miền Nam Việt Nam vào tròng nô lệ của Mỹ… Giấy vắn tình dài, chúc các bạn cảnh giác và tiến bộ.

Em, Lu-xy
Người dịch và chuyển
C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 723, ngày 25-2-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.