Thưa ngài,
Tháng 6 năm nay, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội viễn chinh Pháp lâm nguy, nhân dân Pháp kiên quyết đòi chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Đông Dương. Tình hình ấy đã khuyến khích Ngài hứa hẹn: Ra sức làm cho Hội nghị Giơnevơ thành công, tức là chấm dứt chiến tranh xâm lược và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Vì vậy, nhân dân Pháp đã ủng hộ Ngài, Quốc hội Pháp đã cử Ngài làm Thủ tướng và nhân dân Việt Nam cũng tán thành Ngài. Nhưng chữ ký của Ngài trên Hiệp định Giơnevơ chưa ráo mực, thì:
- Hồi tháng 8, đại diện của Ngài ở Việt Nam là tướng Êly tuyên bố: “Hiệp định đình chiến không thay đổi gì mục đích chính trị của Pháp ở Đông Dương...”.
Ai cũng biết rằng: Trước ngày ký Hiệp định Giơnevơ, mục đích của Pháp (thực dân) là chiến tranh để chiếm lại Đông Dương, bắt Đông Dương làm thuộc địa một lần nữa.
Theo lời tướng Êly đại diện của Ngài, thì người ta có thể hiểu rằng Pháp vẫn giữ mục đích cũ, tức là tiếp tục xâm lược 3 nước Việt, Miên, Lào.
Xin hỏi: Ngài có đồng ý với tướng Êly hay là không đồng ý? Nếu không, thì tướng Êly không đồng ý với Ngài và đã phạm tội “bất tuân thượng lệnh”! Sao Ngài còn để tướng Êly thay mặt Ngài ở Việt Nam?
- Cuối tháng 9, thì chính viên tướng ấy và bộ trưởng của Ngài là Ghilasăm sang Mỹ xin viện trợ quân sự cho quân đội Bảo Đại.
Xin hỏi: Pháp đã ký hòa bình với Việt Nam sao Ngài còn xin viện trợ quân sự làm gì? Và Ngài làm như thế, phải chăng đã trái hẳn với Hiệp định Giơnevơ.
- Đầu tháng 9, Ngài phái bộ trưởng Ghilasăm tham gia Hội nghị Mani và ký Hiệp định “Khối phòng thủ Đông Nam Á”. Bản Phụ lục của Hiệp định ấy đã kéo cả miền Nam Việt Nam và Miên, Lào vào trong phạm vi “bảo hộ” của khối “SEATO”.
Ai cũng biết rằng: Khối ấy là một khối xâm lược do Mỹ cầm đầu, mục đích của nó là “dùng người châu Á đánh người châu Á”, để phá hoại phong trào độc lập của nhân dân châu Á và để gây chiến tranh. Ai cũng biết rằng bản Phụ lục đối với Việt - Miên - Lào là một âm mưu trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Không lẽ một vị Thủ tướng Pháp như Ngài mà không biết điều đó?
Xin hỏi: Ngài đã ký Hiệp định Giơnevơ để lập hòa bình, sao lại ký Hiệp ước Mani để phá hoại hòa bình.
- Trung tuần tháng 8, Ngài phái ông Xanhtơny đến Hà Nội, với danh nghĩa Tổng phái viên, để chuẩn bị lập lại quan hệ giữa hai nước Việt - Pháp.
Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp ông Xanhtơny và sẵn sàng giúp ông ấy làm trọn nhiệm vụ.
Trái lại, Ngài và Chính phủ Pháp không giao cho ông Xanhtơny nhiệm vụ dứt khoát và chức vị rõ ràng, thành thử rất khó lòng cho ông ấy. Những nhân sĩ Pháp như ông Capităng và những báo chí Pháp như tờ Thế giới cũng công nhận như vậy.
Xin hỏi: Phải chăng Ngài thật lòng muốn ông Xanhtơny lập lại mối quan hệ tốt giữa hai nước Việt - Pháp? Nếu có, thì sao Ngài lại do dự không trao cho ông ấy chức vị và nhiệm vụ rõ ràng?
- Tháng 11, sau những cuộc báo cáo với Chính phủ Mỹ, Ngài đã tuyên bố: Về vấn đề Việt Nam, Ngài “hoàn toàn” đồng ý với Mỹ. Cũng như Mỹ, Ngài và Chính phủ Pháp hoàn toàn ủng hộ Ngô Đình Diệm.
Mọi người thừa biết và chắc Ngài cũng thừa biết rằng: Ngô Đình Diệm là tay sai trung thành của Mỹ, là một người cực lực chống Pháp, dù là Pháp dân chủ; là một kẻ quyết tâm phá hoại Hiệp định Giơnevơ; là một tên phản quốc cố chống lại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ ở nước Việt Nam. Nó khủng bố nhân dân miền Nam. Nó lợi dụng tôn giáo lừa bịp một số giáo dân miền Bắc di cư vào Nam, rồi bắt họ đi lính hoặc bán họ làm nô lệ cho các đồn điền.
Xin hỏi: Vì sao Ngài ủng hộ một kẻ chống lại lợi ích của Việt Nam và của Pháp, một kẻ đã bị toàn dân Việt Nam phỉ nhổ?
* * *
Về vấn đề Việt Nam, những chính phủ cũ của Pháp hoàn toàn đồng ý với Mỹ, điều đó không có gì lạ. Nhưng Chính phủ của Ngài cũng hoàn toàn đồng ý với Mỹ, thì có hơi lạ, vì lẽ rằng Ngài đã có gan làm trái ý Mỹ để ký kết Hiệp định Giơnevơ và bác bỏ Hiệp định “quân đội châu Âu”. Nay Ngài hoàn toàn đồng ý với Mỹ về vấn đề Việt Nam (cũng như về Hiệp ước Mani và Hiệp ước Pari, thế là Ngài đã thụt lùi 2 bước sau khi tiến lên 2 bước).
Chắc Ngài cũng thừa biết rằng: Chính sách của Mỹ là trái hẳn với lợi ích của Việt Nam, trái hẳn với hòa bình ở Đông Nam Á, trái hẳn lợi ích của Pháp, trái hẳn với Hiệp định Giơnevơ.
Tôi mạn phép tóm tắt lại vài nét chính sách của Mỹ, để giúp Ngài “làm tươi lại trí nhớ”.
- Cuối năm 1949, Ngoại trưởng Mỹ tên là Đalét đã tuyên bố với các báo ở Pari: Mỹ kiên quyết phản đối nếu Pháp thương lượng hòa bình với Việt Nam.
- Năm 1953, Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Việt Nam có nhiều nguyên liệu. Không thể để mất những nguyên liệu ấy cần thiết cho sự bảo vệ thế giới tự do” (nghĩa là quân đội Pháp phải hy sinh để giữ nguyên liệu ấy cho Mỹ).
- Cũng năm ấy, Phó Tổng thống Mỹ bảo tướng Nava: “Phải chiến tranh cho đến thắng lợi cuối cùng”.
- Tháng 5-1954, báo Mỹ Thời báo Nữu ước tuyên bố: Mỹ quyết tâm huấn luyện cho quân đội Bảo Đại và lập cho nó một bộ chỉ huy hoàn toàn thoát ly sự can thiệp của Pháp.
- Tháng 11 vừa rồi, không quản công việc bộn bề, đường xa nghìn dặm, Ngài đã lên tầu vượt biển sang hỏi ý kiến Mỹ, thì trong lúc ấy tướng Mỹ Côlin cũng “ngự giá” đến Sài Gòn. Côlin là Tổng Tham mưu trưởng của quân đội Mỹ. Y sang Việt Nam đã là một việc phạm đến điều 14 của Hiệp định Giơnevơ cấm nhân viên quân sự nước ngoài đến giúp sức cho quân đội nào ở Đông Dương.
Không đếm xỉa gì đến Pháp, tướng Côlin đã ngang nhiên tuyên bố: Mỹ chỉ giúp cho Chính phủ Ngô Đình Diệm mà thôi. Mỹ bao việc huấn luyện quân đội “quốc gia” và bao 90 phần trăm trang bị cho nó. Mỹ không thay thế ngay tất cả người Pháp, nhưng người Pháp phải thật thà cộng tác với Mỹ (tức là vâng lệnh Mỹ). Mỹ sẽ phá đám cuộc tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam mà Hiệp định Giơnevơ đã thỏa thuận...
Nói tóm lại: Chính sách Mỹ là hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương.
Cách vài hôm sau đó, Ngài đã tán thành cách chức Nguyễn Văn Hinh là người thân Pháp. Hãng Thông tấn Mỹ U.P. (29-11) liền tuyên bố: Hinh bị cách chức là một thắng lợi của chính sách Mỹ.
Vì chính sách Giơnevơ của Ngài mà Ngài được cử làm Thủ tướng. Xin hỏi Ngài: Những việc kể trên phải chăng hợp với tinh thần chính sách Giơnevơ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tuyên bố: Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn sẵn sàng lập lại hữu nghị và quan hệ kinh tế, văn hóa với Pháp trên nền tảng bình đẳng và hai bên đều có lợi. Muốn đạt mục đích ấy, hai bên cần phải thật thà và tin nhau.
Xin hỏi: Phải chăng Ngài và Chính phủ của Ngài cũng tán thành lời tuyên bố rõ ràng ấy? Nếu tán thành thì vì sao bên phía Ngài không tuyên bố gì rõ ràng, dứt khoát cả?
Là một công dân Việt Nam, đồng thời là một người cảm tình với nhân dân Pháp, tôi mượn câu nói của báo Thế giới (3-12) mà kết luận rằng: “Cũng đang có thì giờ để... để ông Măngđét Phrăngxơ định rõ chính sách đối với Đông Dương”.
Chúc Ngài khỏe...
LÊ***
---------
- Báo Nhân Dân, số 284, ngày 9-12-1954, tr.6.
-Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.161-166.