Ngày 17-9, có 23 đội sản xuất[1] được Chính phủ công nhận là Đội lao động xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, nó đẩy mạnh thêm cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nó báo tin rằng nông nghiệp ta có một tương lai rất vẻ vang.

Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp đang phấn đấu để thu hoạch 5 tấn thóc 1 hécta trong 1 năm. Số lớn các Đội lao động xã hội chủ nghĩa đã đạt hơn 5 tấn. Như:

Đội 2 (Hợp tác xã Tân Hưng Hòa) = 5 tấn 650 ký.

Đội 5 (Hợp tác xã Lâm Xuyên) = 5 tấn 943 ký.

Đội 16 (Hợp tác xã Hợp Hải) = 6 tấn 380 ký.

Đội 10 (Hợp tác xã Khuyến Lương) = 6 tấn 430 ký.

Đội Lê Lợi (Hợp tác xã Hiệp An) = 6 tấn 430 ký.

Đội 5 (Hợp tác xã Thắng Lợi) = 7 tấn 080 ký.

Và ở hầu hết các tỉnh đều có Đội lao động xã hội chủ nghĩa như: Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, v.v.. Điều này chứng tỏ rằng bất kỳ vùng nào cũng có thể nâng cao sản lượng.

Đội 5 (Hợp tác xã Thắng Lợi) là một kiểu mẫu. Đội này thu hoạch mỗi năm mỗi tăng:

1 hécta năm 1964 được 5 tấn 646 ký.

1 hécta năm 1965 được 7 tấn 080 ký.

Có thành tích tốt đẹp như vậy, là vì đội 5 đã ra sức phấn đấu về mọi mặt.

- Họ tích cực áp dụng kỹ thuật. Họ dùng phân bón nhiều, làm thuỷ lợi tốt, chọn giống má kỹ, chăm sóc và bảo vệ đồng ruộng tốt. Họ quản lý lao động tốt, mỗi đội viên mỗi năm làm được 307 ngày công. “Người cho ruộng nhiều ngày công, thì ruộng cho người nhiều lương thực”. Đó là một chân lý rất rõ ràng.

- Trong đội đoàn kết nhất trí. Tài chính công khai. Mọi việc đều cùng nhau bàn bạc một cách dân chủ. Mọi đội viên đều có tinh thần làm chủ tập thể. Nhờ vậy mà đội tiến bộ không ngừng.

- Do làm ăn phấn chấn, vui vẻ, đội đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khác: Đội chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước. Các công việc phòng không, bổ túc văn hoá, giữ gìn vệ sinh... đều làm tốt.

- Đời sống của đội viên ngày càng được nâng cao. Thu nhập mỗi đội viên mỗi tháng từ 13 đồng (năm 1964) tăng lên 18 đồng (năm 1965).

Có kết quả tốt đẹp đó, trước hết là do cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên thấm nhuần sự giáo dục của Đảng ta, xung phong gương mẫu trong mọi công việc, giúp đỡ và lôi cuốn được tất cả đội viên hăng hái làm theo.

Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay là sản xuất giỏi và chiến đấu giỏi để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong nông nghiệp, các Đội lao động xã hội chủ nghĩa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Các đội sản xuất khác và các hợp tác xã cần phải cố gắng học tập, thi đua với họ để thành những hợp tác xã tiên tiến và những đội sản xuất lao động xã hội chủ nghĩa. 23 đội sản xuất nói trên đã làm được, thì các đội sản xuất khác cố gắng, nhất định cũng làm được.

Nhiệm vụ của các cấp ủy và của các chi bộ Đảng là phải ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua đó cho có kết quả tốt.

CHIẾN SĨ

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 4553, ngày 25-9-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.161-163.

1. 23 Đội lao động xã hội chủ nghĩa là:

Đội 22 Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); đội 28 Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình); đội 1 Hợp tác xã Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh); đội 2 Hợp tác xã Đức Quảng Minh (Nghệ An); đội 3 Hợp tác xã Tân Cảnh (Nghệ An); đội 5 Hợp tác xã Thắng Lợi (Thanh Hóa); đội 2 Hợp tác xã Tân Hưng Hòa (Thái Bình); đội 1 Hợp tác xã Thụy Trang (Hưng Yên); đội 1 Hợp tác xã Thôn Dâu (Hưng Yên); đội Lê Lợi Hợp tác xã Hiệp An (Hải Dương); đội 7 Hợp tác xã Đại Xuân (Hải Dương); đội 2 Hợp tác xã Kim Ngọc (Hà Tây); đội 5 Hợp tác xã Lâm Xuyên (Vĩnh Phúc); đội 5 Hợp tác xã Phù Lập (Vĩnh Phúc); đội 16 Hợp tác xã Hợp Hải (Phú Thọ); đội 7 Hợp tác xã Nam Tiến (Phú Thọ); đội 3 Hợp tác xã Đồng Lực (Phú Thọ); đội Mận Hợp tác xã Lò Mận (Hòa Bình); đội 5 Hợp tác xã Tiền Phong (Lào Cai); đội 9 Hợp tác xã 1-5 (thành phố Hải Phòng); đội 10 Hợp tác xã Khuyến Lương (thành phố Hà Nội); đội nuôi cá Hợp tác xã Yên Duyên (thành phố Hà Nội); đội 5 Hợp tác xã Văn Quán (Vĩnh Phúc) (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.