Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhờ sự thắng lợi của Liên Xô, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới ngày càng phát triển, phong trào độc lập dân tộc ngày càng lên cao, hệ thống thuộc địa ngày càng tan rã, chủ nghĩa đế quốc ngày càng suy sụp.

Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa. Hồng quân Liên Xô anh dũng đánh bại phát xít Đức - Nhật đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc bẻ gãy xiềng xích của chế độ thực dân. Những thắng lợi của Liên Xô trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản càng thúc đẩy nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa đấu tranh để tự giải phóng. Các nước châu Á với hơn 1.000 triệu người trước kia là thuộc địa và nửa thuộc địa của đế quốc đã vùng lên giành chủ quyền và độc lập. Cách mạng nhân dân Trung Quốc thành công, đã làm lung lay đến tận gốc các vị trí của chủ nghĩa đế quốc ở châu Á, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nói chung, ở châu Á nói riêng.

Nhưng bọn đế quốc ngoan cố tìm đủ mọi cách bám lấy quyền lợi thực dân của chúng. Với các thủ đoạn câu kết với bọn phản động trong giai cấp thống trị bản xứ bằng “viện trợ” quân sự và kinh tế, xây dựng các căn cứ quân sự trên nhiều nước, thành lập Khối quân sự xâm lược Đông Nam Á, Khối trung tâm, bọn đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ đang tìm cách bóp nghẹt phong trào giải phóng dân tộc và đặt lại chế độ thực dân dưới những hình thức mới. Đế quốc Mỹ đang tìm cách thay chân các đế quốc thực dân khác trong khu vực này và đã trở thành kẻ thù số một của nhân dân châu Á cũng như châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Trước mặt các nước châu Á đang đặt ra những vấn đề cơ bản cấp thiết là tiếp tục kiên quyết chống đế quốc thực dân để giải phóng dân tộc, xây dựng nền kinh tế dân tộc, bảo vệ và hoàn thành độc lập, thủ tiêu các tàn tích phong kiến và giải quyết các vấn đề xã hội khác để đưa xã hội tiến lên.

Các nước xã hội chủ nghĩa châu Á: Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Việt Nam đang nêu gương tốt về cách giải quyết những vấn đề đó. Bọn đế quốc tập trung thù hằn của chúng đối với phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á vào các nước xã hội chủ nghĩa ấy. Sự tồn tại và phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa là một chướng ngại lớn đối với âm mưu của chúng. Chúng tìm đủ mọi cách để phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa. Đế quốc Mỹ lại đang chiếm đóng Nam Triều Tiên, Đài Loan của Trung Quốc và can thiệp trắng trợn vào Nam Việt Nam. Để bảo vệ những thành quả đã giành được, để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, các nước xã hội chủ nghĩa phải kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ. Họ hết lòng ủng hộ các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng mình khỏi ách của đế quốc thực dân.

Các nước xã hội chủ nghĩa châu Á rất cần hòa bình để xây dựng đời sống mới. Họ hiểu rằng chiến tranh mà bọn đế quốc, cầm đầu là đế quốc Mỹ, đang chuẩn bị và có nơi đang tiến hành trong các khu vực này nhằm chống lại nhân dân các nước châu Á, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa. Cho nên họ là những người kiên quyết chống chiến tranh xâm lược của đế quốc và tích cực đoàn kết với mọi dân tộc đang đấu tranh cho độc lập và hòa bình.

Trước sau họ thi hành chính sách năm nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau.

Sau khi đã thoát khỏi ách thực dân, các nước xã hội chủ nghĩa đã bắt tay vào giải quyết những vấn đề xã hội do sự phát triển của cách mạng đề ra. Họ đã phát triển theo chủ nghĩa xã hội và đã chứng thực trong đời sống sự đúng đắn luận điểm của Lênin về khả năng các nước lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, trong điều kiện có nước xã hội chủ nghĩa đi trước giúp đỡ. Trong một thời gian tương đối ngắn, các nước ấy đang xây dựng nền công nghiệp dân tộc tự chủ có khả năng cung cấp những hàng tiêu dùng và trang bị tư liệu sản xuất cho nền kinh tế quốc dân.

Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, xóa bỏ tàn tích phong kiến, các nước xã hội chủ nghĩa châu Á đã tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông thôn đi vào chủ nghĩa xã hội và đang phát triển nhanh chóng nông nghiệp. Công cuộc xây dựng văn hóa cũng thu được những thành tích lớn. Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động được nâng cao không ngừng.

Gương sáng của các nước xã hội chủ nghĩa đang gây những ảnh hưởng sâu xa và được sự đồng tình của các giai tầng rộng rãi trong các nước châu Á khác. Sự viện trợ tận tình và hợp tác anh em của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã giúp cho các nước xã hội chủ nghĩa châu Á thu được những thành tựu nói trên và cũng là một sự cổ vũ lớn đối với các dân tộc khác. Sự viện trợ và hợp tác đó khác nhau như trời với vực với cái tên gọi là “viện trợ” của đế quốc mà mục đích là nô dịch nhân dân các nước ấy. Chương trình xây dựng chủ nghĩa cộng sản của Đại hội lần thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô chắc chắn sẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân châu Á chống đế quốc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội tiến lên những bước mới mạnh mẽ hơn nữa.

*

*    *

Tình hình ở miền Bắc nước Việt Nam chúng tôi cũng khác nhau như trắng với đen với tình hình ở miền Nam Việt Nam.

Hiện nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, và đang tiến hành việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân được nâng cao dần dần. Mọi người đều có công ăn việc làm. Nạn mù chữ đã được xóa bỏ, trên một phần tư số dân được đi học.

Còn đồng bào chúng tôi ở miền Nam thì đang sống khổ sở dưới ách tàn bạo của bè lũ Mỹ - Diệm. Bằng cách “viện trợ quân sự”, đế quốc Mỹ ngày càng xâm nhập vào miền Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của chúng. Theo lệnh chủ Mỹ, chính quyền miền Nam thi hành một chính sách phát xít dã man. Chúng xóa bỏ cả những quyền tự do dân chủ nhỏ nhất. Những thành quả nhân dân miền Nam đã thu được trong những năm kháng chiến đều bị tước đoạt. Nông dân lại bị địa chủ bóc lột tàn nhẫn. Số người thất nghiệp trong công nhân ngày càng tăng. Chúng ép dân rời bỏ làng mạc và dồn họ lại trong những “khu trù mật” là những nhà tù khổng lồ. Chúng đang phát động một cuộc chiến tranh thật sự chống lại nhân dân. Chúng huy động hàng sư đoàn có máy bay và xe tăng đi càn quét liên miên. Chúng giết người rồi moi gan mổ bụng. Trong 6 năm, chúng đã giết hại 75 nghìn người, làm bị thương 16 nghìn người, tra tấn thành tàn phế 5 vạn, bỏ tù 27 vạn, trong đó có gần 4 nghìn trẻ em.

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, nhân dân miền Nam đã vùng lên đấu tranh giành quyền sống. Thí dụ: Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 10 triệu người tham gia biểu tình, bãi công chống khủng bố, càn quét, bắt lính, chiến tranh, đòi tăng lương, cải thiện đời sống, giải tán các “khu trù mật”, đòi các quyền tự do dân chủ, được yên ổn làm ăn. Ngay trong quân đội Diệm, đang lan rộng phong trào chống chính sách chiến tranh. Từ đầu năm nay đã có hơn 7.000 binh sĩ Diệm bỏ hàng ngũ để quay trở về với nhân dân. Đồng bào miền Nam chúng tôi khao khát được sống trong cảnh độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc, yên vui như ở miền Bắc, đang xiết chặt hàng ngũ trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, anh dũng giương cao ngọn cờ yêu nước, chính nghĩa. Mỗi thành tựu mới ở miền Bắc là một nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân miền Nam trong công cuộc đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm để thực hiện độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Trước phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, để tạo cớ can thiệp hơn nữa vào miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đang vu cáo trắng trợn rằng cộng sản miền Bắc Việt Nam hoạt động lật đổ. Để vạch trần sự vu cáo đó, chúng tôi xin trích sau đây những lời phát biểu của một số nhà báo mà không ai nghi ngờ là họ có cảm tình với cộng sản. Thí dụ: Nhà báo Pháp
R. Ghilanh đã viết: “Không phải sự tiến triển của chủ nghĩa cộng sản là nguồn gốc của sự lo lắng và bất mãn của nhân dân. Đó là sự tiến triển của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa phát xít của ông Diệm” (báo Thế giới, ngày 6-4-1961). Phóng viên tờ Người bảo vệ nước viết trong số ra ngày 28-11-1960: “Tuy thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn, tôi cũng đã thấy rõ rằng nhân dân bất mãn ví như ngọn núi lửa sắp phụt lên”.

Mới đây, đế quốc Mỹ lại tiến lên một bước cực kỳ nghiêm trọng trong âm mưu can thiệp và xâm lược của chúng vào miền Nam, phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ. Theo lệnh của Tổng thống Kennơđi, Phó Tổng thống Giônxơn và tướng M. Taylo đến Sài Gòn nghiên cứu việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam, đàn áp, giết hại đồng bào chúng tôi và tăng cường lực lượng quân sự của chúng. Hành động của đế quốc Mỹ đang đe dọa hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng những âm mưu của đế quốc cuối cùng sẽ thất bại và lực lượng của nhân dân nhất định thắng lợi.

Trong cuộc đấu tranh để hòa bình thống nhất nước nhà, nhân dân Việt Nam chúng tôi được nhiều chính phủ và nhân dân trên thế giới đồng tình và ủng hộ. Sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Liên Xô là một sự cổ vũ rất lớn đối với chúng tôi.

Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi Chính phủ Mỹ phải tôn trọng Hiệp nghị Giơnevơ 1954 về Việt Nam và chấm dứt chính sách can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Toàn thể nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh để hòa bình thống nhất Tổ quốc theo đúng Hiệp nghị Giơnevơ. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển. Chúng tôi tin tưởng sắt đá rằng, với sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cũng như của các lực lượng tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công trong công cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà, góp phần tích cực bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

HỒ CHÍ MINH

------------------------

[1] Bài viết cho báo Thời mới (Liên Xô) (BT).

- Báo Nhân Dân, số 2799, ngày 20-11-1961, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.240-245.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.