Trong tháng 4 và tháng 5, Chính phủ nhà vua Cao Miên ra lệnh bắt ông chủ bút tờ báo Diễn đàn Cao Miên và ông Nhút Kum Long, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Tiến Lên. Mới đây, Chính phủ nhà vua Cao Miên lại ra lệnh bắt ông Chày Kim An, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Nhân Dân và truy nã nhiều nhân viên tòa soạn báo Đoàn kết. Ông Chày Kim An là một người đã từng tham gia kháng chiến và đã tham gia công tác trong Ủy ban liên hợp đình chiến ở Cao Miên. Hành động của Chính phủ nhà vua Cao Miên khủng bố và liên tiếp xâm phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân Khơme làm cho dư luận ở Cao Miên và dư luận khắp nơi rất bất bình.

Các ông Chày Kim An, Nhút Kum Long và những đồng nghiệp của các ông bị truy nã là những người viết báo yêu nước, yêu hòa bình. Các báo Đoàn kết, Nhân Dân, Diễn đàn Cao Miên, Tiến Lên là những tờ báo đã cố gắng phục vụ các quyền dân tộc của nhân dân Khơme đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ, kiên quyết chống đế quốc Mỹ xâm lược. Những tờ báo ấy là những tiếng nói chân chính của nhân dân Khơme, và có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân yêu nước ở Cao Miên.

Hành động của Chính phủ nhà vua Cao Miên đàn áp những người viết báo chân chính ở Cao Miên, xâm phạm nghiêm trọng tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân Khơme không phải là một hành động ngẫu nhiên. Nó liên quan mật thiết với Chính phủ nhà vua Cao Miên ký hiệp ước viện trợ quân sự với đế quốc Mỹ, đến việc đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu về mọi mặt, nhất là về mặt quân sự vào Cao Miên. Hiệp ước viện trợ quân sự Mỹ - Cao Miên và những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ ở Cao Miên bị những nhà báo và những tờ báo kể trên lên án nghiêm khắc. Đàn áp những người viết báo những tờ báo chống Mỹ, rõ ràng là mưu bịt miệng nhân dân Khơme đang kịch liệt tố cáo đế quốc Mỹ, là vì đế quốc Mỹ mà hành động, chứ không phải vì nhân dân Khơme, đặng mở rộng cửa cho chúng, kẻ thù số 1 của nhân dân Khơme, nhảy vào Cao Miên. Chắc rằng nhân dân Khơme nhất định chống hành động phát xít ấy.

Việc Chính phủ nhà vua Cao Miên bắt bớ những người viết báo yêu nước, yêu hòa bình và đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Cao Miên đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ và tuyên ngôn 9 nước. Điều 6 trong Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cao Miên nói rất rõ ràng: “Tuyệt đối không được trả thù những người công dân ấy[1], kể cả đối với gia đình họ. Bất cứ người nào cũng được hưởng những đảm bảo của hiến pháp về việc bảo vệ tính mệnh, tài sản và các quyền tự do dân chủ, không có sự phân biệt đối đãi nào… với các người công dân khác”. Điều 3 và Điều 9 trong tuyên ngôn 9 nước đều nói rõ phải triệt để tôn trọng các quyền tự do dân chủ của nhân dân Khơme. Trong phiên họp bế mạc Hội nghị Giơnevơ, đại biểu Chính phủ nhà vua Cao Miên cũng trịnh trọng cam kết là “đảm bảo cho tất cả công dân Khơme hưởng mọi quyền lợi và mọi tự do đã định trong hiến pháp của nhà vua”.

Nhưng những hành động trong thời gian vừa rồi và hiện nay của Chính phủ nhà vua Cao Miên đối với những người viết báo và các báo đấu tranh cho hòa bình và dân chủ ở Cao Miên đã trái hẳn với những sự cam kết quốc tế, đã xâm phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân Khơme.

Hiệp định Giơnevơ, tuyên ngôn 9 nước và lời tuyên bố của Chính phủ nhà vua Cao Miên phải được thi hành theo đúng lời văn và tinh thần của nó. Các quyền tự do dân chủ, nhất là tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân Khơme phải được đảm bảo!

T.L.

------

Báo Nhân Dân, số 472, ngày 18-6-1955, tr.4.

[1]. Tức là những người đã tham gia kháng chiến.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.