- Hợp tác xã Đ.P. (Quảng Bình) cần phải làm độ 700 cái hầm trú ẩn cho gia đình xã viên, cho trụ sở xã, cho trường học, v.v.. Mỗi hầm phải tốn 10 công đào và nửa mét khối gỗ lót. Cộng tất cả là 7.000 công và 350 mét khối gỗ. Đối với một hợp tác xã nhỏ chỉ có 50 hộ, thì đó quả là một công việc to lớn và khó giải quyết. Những cán bộ có sáng kiến đưa việc đó trình bày rõ ràng trước toàn thể xã viên và khuyến khích mọi người bàn bạc một cách dân chủ.

Sau khi tư tưởng đã nhất trí, bà con đều hăng hái thi đua và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Họ làm cả ngày cả đêm, nhà đông người giúp nhà neo đơn. Có những xã viên lấy cả cột nhà và ván nằm để lót hầm và giúp những bà con thiếu gỗ.

Kết quả là chỉ trong hai ngày, hơn 700 cái hầm đã làm xong và cái nào cũng hợp tiêu chuẩn. Thế là nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra dễ.

- Văn Khê (Hà Tây) là một xã ưu điểm nhiều. Nhưng khuyết điểm cũng không ít: Như tệ giết lợn liên hoan lu bù, cán bộ thiếu gương mẫu trong lao động, v.v.. Khuyết điểm nặng nhất là thiếu dân chủ. Vì vậy mà việc làm thủy lợi đã gây ra lãng phí; có vụ đã cày cấy chậm và làm dối, thu hoạch kém.

Từ đầu năm nay, tình trạng đã bước đầu chuyển biến khá: các cán bộ từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã đến cán bộ các hợp tác xã đã thật thà tự phê bình và từ đó mọi việc sản xuất, học văn hóa, chấp hành các chính sách... đều bàn bạc dân chủ với xã viên.

Kết quả là các xã viên đều phấn khởi ra đồng sản xuất, trồng cây, sửa sang hầm hố trú ẩn. Cán bộ và xã viên đã cùng nhau bàn cách tiết kiệm lương thực để bảo đảm đời sống của mình và đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (Tài liệu của báo Hà Tây).

- Xí nghiệp Đống Đa tìm biện pháp thực hiện kế hoạch quý I bằng một phần ba kế hoạch cả năm, lúc đầu tính ra thì thấy thiếu đến 12.000 giờ máy. Giải quyết thế nào đây?

Khi các cán bộ lãnh đạo bàn đủ mọi cách, như cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, v.v., thì cũng chỉ giải quyết được 4.000 giờ máy thiếu.

Khi các chi bộ bàn về việc cải tiến quản lý lao động, tăng cường giờ máy có ích, v.v., thì giải quyết thêm được 6.000 giờ, nhưng chưa giải quyết được tất cả vấn đề.

Khi họp bàn dân chủ với toàn thể công nhân, thì anh chị em mỗi người nêu một sáng kiến, chẳng mấy chốc đã giải quyết nốt cả 2.000 giờ thiếu một cách dễ dàng.

Cũng xí nghiệp ấy, trong một cuộc đại hội bàn bạc dân chủ (18-3-1967), công nhân đã góp 1.400 ý kiến, thẳng thắn phê bình những thiếu sót về chỉ đạo sản xuất, hợp lý hóa lề lối làm việc và cải tiến kỹ thuật, v.v..

Một ví dụ nữa: Xí nghiệp cao su tái sinh ghi nhận kế hoạch 1967 chỉ ghi tăng 6% về giá trị sản lượng và 8% về năng suất lao động. Nhưng do bàn bạc dân chủ, công nhân đã nhận tăng thêm 31% về giá trị sản lượng và 15% về năng suất lao động.

*

*    *

Vài ví dụ trên đây chứng tỏ rằng thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Trong mọi công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt cả thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể. Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và cuộc vận động quần chúng quyết tâm thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1967 cũng nhất định sẽ thắng lợi.

CHIẾN SĨ

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 4733, ngày 25-3-1967, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t.15, tr.324-326.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.