Tuyên truyền có nhiều cách, mà cách tốt nhất là tuyên truyền bằng việc làm. Vài thí dụ:
- J. là một lính Pháp bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ. Khi giải đi qua xóm A., thấy y đi nhúc nhắc, một bà cụ Mán cho y một cái gậy tre và nói: “2 con trai của tôi bị Tây bắn chết, nhưng tôi không ghét tù binh, vì Cụ Hồ bảo như vậy”.
J. cảm động ứa nước mắt. Từ đó, J. giữ gìn cái gậy như một thứ của quý, ngày ngày lau chùi nó sáng bóng. Được tha ở Việt Trì, J. đưa cái gậy khoe với đồng bào ta và nói: “Gậy này là mẹ tôi cho tôi” và nhắc lại chuyện bà cụ Mán. Rồi J. kết luận: “Tôi thề từ nay sẽ không bao giờ đi đánh nhau với người Việt Nam nữa”.
- N. là một người viết báo Pháp, rất phản động, cũng bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ.
Khi được tha về, N. cùng đi xe hơi với tù binh khác. Xe đi qua phố X. gặp một con gà đang ăn giữa đường, bóp còi đuổi mãi gà không chịu chạy. Đồng chí lái xe xuống xe, đuổi gà chạy khỏi đường, rồi mới lái xe chạy. Thấy vậy, N. bảo những bạn tù binh: “Bộ đội Pháp và bộ đội Bảo Đại không bao giờ có cử chỉ như vậy. Người tránh không kịp, họ cũng cứ cho xe chạy bừa đi, huống gì là một con gà! Bộ đội Việt Nam thương dân, tôn trọng của dân, vì vậy mà dân Việt Nam thương bộ đội và giúp bộ đội đánh thắng luôn. Trước kia, tôi không hiểu, tôi khinh người Việt Nam, từ ngày thấy rõ sự thật, tôi rất phục người Việt Nam”.
Vì cử chỉ tốt đẹp mà bà cụ Mán và đồng chí lái xe (dù không cố ý) đã làm tuyên truyền quốc tế và đã thu được kết quả tốt. Việc đó dạy chúng ta rằng: Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là một người tuyên truyền, làm cho thế giới kính trọng dân tộc ta.
C.B.
-----------
- Báo Nhân Dân, số 232, từ ngày 27 đến ngày 28-9-1954, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.62-63.