Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (15-6-1959) quyết định: Trong năm nay sẽ chuyển 90% số hộ công thương nghiệp tư bản tư doanh vào công tư hợp doanh.

Nhân dịp này, tôi muốn tóm tắt nhắc lại những lời của ông Vinh Nhị Nhân (một người đại tư bản kếch xù Trung Quốc) đã nói trước Quốc hội Trung Hoa (4-1959).

Ông Vinh nói đại ý như sau: “Trước đây mười năm, khi Quân giải phóng sắp vào Thượng Hải, quân Quốc dân đảng ra sức vơ vét. Chúng lại bịa đặt rằng: Đảng Cộng sản là “cộng thê”… Ngoài mặt tôi giữ vẻ bình tĩnh, nhưng trong lòng thì rất hoang mang. Chạy ra nước ngoài chăng? thì sợ bị người ta khinh rẻ mình là “Tàu trắng”. Thôi thì cứ liều mạng ở lại.

Quân Giải phóng vào thành, không động đến cái kim sợi chỉ của dân. Sau khi Hội “quân quản” tuyên bố chính sách đối với giới công thương, tinh thần tôi tạm ổn định… Trong mười năm qua, Tổ quốc đã biến đổi rất nhiều, công nghiệp và nông nghiệp ngày càng thịnh vượng. Bản thân tôi vẫn được cử làm đại biểu Quốc hội, được thảo luận công việc nước nhà, đời sống và công tác vẫn được yên ổn. Nhớ đến những hoang mang, thắc mắc trước đây mình lại tự cười mình!

Cố nhiên, hạnh phúc của nước ta ngày nay không phải tự nhiên mà có. Xã hội nửa phong kiến và nửa thực dân đã đưa đến cho chúng ta biết bao đau khổ; nếu theo con đường tư bản chủ nghĩa thì chỉ có thể trở lại dưới ách xâm lược của bọn đế quốc thực dân. Hạnh phúc ngày nay là kết quả chính sách sáng suốt của Đảng Cộng sản đã đoàn kết và đưa nhân dân đi lên con đường chủ nghĩa xã hội. Đời sống thực tế mười năm nay đã chứng tỏ rằng chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa là con đường quang minh, chính đại nhất.

Đối với giai cấp tư sản dân tộc, Đảng đã thi hành chính sách đoàn kết, phê bình và giáo dục để giúp chúng ta cải tạo. Đảng dùng biện pháp công tư hợp doanh, và sắp xếp cho chúng ta về mọi mặt, để chúng ta yên tâm công tác và yên tâm cải tạo. Cách Đảng đối đãi chúng ta, thật là nhân nghĩa sâu nặng. Do đó, tuyệt đại đa số người công thương đã được yên tâm, tiến bộ.

Tuy chính sách của Đảng như vậy, nhưng sự tiếp thu của chúng ta không phải không có vấn đề. Mỗi khi có việc gì mới, thì chúng ta lại nghi ngờ, thắc mắc, lung lay. Chính tôi cũng vậy. Thí dụ: Khi mở cuộc “năm chống”, tôi ngờ Đảng không cần chúng ta nữa. Khi đề ra biện pháp định tiền lãi, tôi liền nghĩ rằng lãi “chắc không được bao nhiêu”, nhưng rồi sự thật lãi đã nhiều hơn ý mong muốn của các người công thương. Khi chỉnh phong và chống phái hữu, tôi liền tưởng rằng: Thôi, chuyến này thì số người có tai mắt như mình sẽ bị… Sở dĩ lung lay như vậy, chính là vì bản chất giai cấp của chúng ta, không phải một ngày một bữa mà tẩy sạch hết được. Chúng ta phải trường kỳ cố gắng để tự cải tạo mình.

Trong mười năm sinh hoạt và học tập, tôi được thêm một kinh nghiệm. Tức là: Chưa cải tạo triệt để, thì tư tưởng tư sản sẽ thường thường ngóc đầu dậy, đối với Đảng khi thì tin, khi thì ngờ; khi thì nửa tin nửa ngờ; khi thì vừa tin vừa ngờ. Nhưng kinh nghiệm trong 10 năm đã chứng tỏ: khi chúng ta tin Đảng, thì chắc chúng ta đúng: Khi chúng ta ngờ Đảng, thì chắc chúng ta sai. Vì vậy, thật lòng thật dạ tin theo Đảng thì nhất định đúng không sai. Nếu như vậy là mê tín, thì tôi nghĩ rằng đối với Đảng và đối với chân lý mà mê tín, là một điều tốt, chứ không xấu. Như thế, thì trên con đường xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẽ là một trợ lực chứ không còn là một trở lực. Khi trông thấy Tổ quốc ngày càng trở nên phồn thịnh và sung sướng, mà chúng ta là những người có vinh dự góp phần vào sự nghiệp vẻ vang ấy, như thế thật là đã ích nước lại lợi nhà, thật là quang vinh.

Nhờ ơn Đảng giáo dục và chiếu cố, tuy tôi đã làm được chút ít công tác, nhưng cũng có phạm khuyết điểm, sai lầm. Từ nay, tôi quyết tâm tin tưởng vào Đảng, tự giáo dục và tự cải tạo mình, đưa hết tinh thần và lực lượng tham gia phong trào sản xuất và tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội…”.

T.L.

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 1924, ngày 22-6-1959, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.