Để xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, toàn dân và toàn Đảng phải ra sức phát triển và phát triển mạnh kinh tế của ta.

Muốn vậy, thì về công nghiệp, các xí nghiệp của Nhà nước (tức là của toàn dân) cần phải cải tiến chế độ quản lý.

Muốn cải tiến quản lý xí nghiệp, thì trước hết phải tăng cường việc giáo dục chính trị và nâng cao tư tưởng của cán bộ và công nhân bằng cách:

- Bồi dưỡng tư tưởng của giai cấp công nhân - đấu tranh chống tư tưởng của giai cấp tư sản.

- Bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể - chống chủ nghĩa cá nhân.

- Bồi dưỡng quan điểm lao động (lao động trí óc và lao động chân tay phải kết hợp chặt chẽ) - chống quan điểm xem khinh lao động chân tay.

- Nâng cao tinh thần làm chủ xí nghiệp và làm chủ nước nhà của công nhân và cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính tích cực của mọi người.

Để quản lý tốt xí nghiệp, thì phải thực hiện ba điều: Tất cả cán bộ lãnh đạo phải thật sự tham gia lao động chân tay. Tất cả công nhân phải tham gia công việc quản lý các tổ sản xuất, dưới sự lãnh đạo của cán bộ các phân xưởng. Sửa đổi những chế độ và quy tắc không hợp lý.

Từ trước đến nay, vì cán bộ chỉ làm việc quản lý, không tham gia lao động sản xuất, cho nên xa rời công việc thực tế, xa rời quần chúng công nhân. Do đó mà sinh ra bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh.

Công nhân thì chỉ sản xuất mà không tham gia quản lý, do đó mà kém tinh thần trách nhiệm và kỷ luật, không phát huy được sáng kiến.

Cán bộ tham gia lao động và công nhân tham gia quản lý thì sẽ sửa chữa được những khuyết điểm ấy; công nhân và cán bộ sẽ đoàn kết thành một khối, mọi người đều là đồng chí với nhau, đều ra sức phấn đấu làm cho xí nghiệp ngày càng tiến lên.

- Cán bộ trực tiếp tham gia lao động thì càng gần gũi và hiểu biết công nhân hơn, nhìn thấy và giải quyết các vấn đề được nhanh chóng hơn. Vì vậy, cán bộ trong ban lãnh đạo mỗi tuần cần phải cùng công nhân lao động một ngày hoặc ngày rưỡi. Các cán bộ khác (cán bộ kỹ thuật, các trưởng phòng...) thì nửa ngày làm việc chuyên môn, nửa ngày lao động cùng công nhân.

- Công nhân tham gia quản lý - Tùy tình hình sản xuất, công nhân chia thành từng tổ 10 hoặc 20 người, bầu một người có tín nhiệm nhất làm tổ trưởng, phân công rành mạch cho một hoặc hai người phụ trách quản lý một việc (như kỷ luật, năng suất, chất lượng, máy móc...).

- Khó khăn - Việc cải tiến quản lý lúc đầu có khó khăn. Theo kinh nghiệm nhà máy Trung Quốc, thì có những khó khăn như sau:

Cán bộ thắc mắc: Suốt ngày quản lý mà còn lúng túng, nay phải tham gia lao động nửa ngày thì sợ lúng túng hơn nữa.

Lao động sản xuất không thạo, sợ công nhân cười, rồi lãnh đạo công nhân không được. Học hỏi công nhân thì sợ xấu hổ.

Một số cán bộ kỹ thuật ngại rằng tham gia lao động thì nghiệp vụ của mình sẽ bị bê trễ; hoặc sợ bận, sợ mệt nhọc...

Sợ công nhân không biết quản lý. Cũng có người sợ công nhân tham gia quản lý thì số cán bộ quản lý sẽ bị giảm bớt, bị đưa sang sản xuất.

Công nhân thắc mắc: Sợ trách nhiệm, sợ mất lòng, sợ công nhân khác không nghe lời. Sợ ảnh hưởng đến công tác, do đó mà ảnh hưởng đến lương bổng của mình.

Để giải quyết thắc mắc của cán bộ, cách tốt nhất là người lãnh đạo có quyết tâm và làm gương mẫu, xung phong lao động. Kết quả chứng tỏ rằng cán bộ nửa ngày lao động, nửa ngày làm việc chuyên môn, công việc chẳng những không bê trễ, mà còn trôi chảy hơn; công nhân chẳng những không mỉa mai cán bộ, mà lại thân mật hơn với cán bộ. Do đó, cán bộ thấy rõ rằng: tự mình phải tham gia sản xuất mới lãnh đạo tốt sản xuất.

Để giải quyết thắc mắc của công nhân, đảng ủy đưa cho toàn thể công nhân thảo luận sâu sắc những vấn đề, thí dụ:

Chỉ để mặc cán bộ chuyên môn quản lý hơn, hay là công nhân tham gia quản lý hơn?

Phải chăng công nhân tham gia quản lý, công việc của xí nghiệp sẽ lộn xộn?

Công nhân tham gia quản lý sẽ gặp những khó khăn gì và có thể giải quyết thế nào?

Kết luận của công nhân là: Công nhân tham gia quản lý là nền tảng của việc quản lý tốt xí nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Trong xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, công nhân là người chủ, có trách nhiệm tham gia quản lý cho tốt.

Công nhân tham gia quản lý sẽ làm cho cơ quan quản lý khỏi kềnh càng, bớt giấy tờ bề bộn, bớt chế độ phiền phức, v.v. và sản xuất nhất định sẽ nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

Kết quả bước đầu - Chỉ trong mấy hôm cải tiến quản lý, do sáng kiến của công nhân và cán bộ, nhà máy Khánh Hoa (Trung Quốc) đã giảm được 263 loại giấy tờ. (Chỉ ở phòng kinh doanh và phòng tài liệu, nếu một người chuyên việc đóng dấu vào những giấy tờ ấy - cả năm đóng đến 1.952.800 lần - cũng tốn hết 130 ngày công!). Sửa đổi hoặc xóa bỏ 158 chế độ công tác không hợp lý. Kế hoạch sản xuất quý I đã hoàn toàn vượt mức. Kế hoạch sản xuất năm nay sẽ nhiều gấp hai năm ngoái. Giá thành giảm 50%. Nhân viên quản lý từ 23% giảm xuống 7%.

Năng suất lao động tiến bộ nhảy vọt, cả xưởng quyết định kế hoạch 5 năm sẽ hoàn thành trước 2 năm, có những phân xưởng sẽ hoàn thành trước 6 tháng. Cán bộ chính trị đều ra sức học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật đều ra sức học chính trị, họ quyết tâm trở nên những cán bộ thật “hồng và chuyên”.

Nói tóm lại: Cải tiến quản lý xí nghiệp là một cuộc cải tạo chính trị và tư tưởng rộng khắp và sâu sắc trong cán bộ và công nhân. Trong việc này, sự lãnh đạo của Đảng cần phải chặt chẽ và toàn diện; đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. Khi tư tưởng được giải phóng, giác ngộ được nâng cao, cán bộ và công nhân sẽ đoàn kết chặt chẽ, tự giác tự động khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi sáng kiến, xí nghiệp sẽ được quản lý tốt, sản xuất nhất định sẽ tăng gia, kế hoạch Nhà nước nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

TRẦN LỰC

----------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1669, ngày 8-10-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.536-539.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.