Thử nhớ lại việc làm ăn của một người nông dân bình thường trước đây: Năm này qua năm khác, vẫn "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Mùa vào, được một số thóc. Dành một phần để ăn tiêu một cách thiếu thốn, còn phần kia chỉ đủ để mua lại chừng ấy thóc giống, chừng ấy phân bón,... và cày, cấy lại chừng ấy ruộng, theo cách thức như vụ trước. Kết quả sẽ như thế nào? Lại cũng thu về số thóc như mùa vừa qua. Rồi cái vòng luẩn quẩn ấy cứ diễn lại, không biết đến lần thứ mấy!

Ở đây, chúng ta không nói đến sự bóc lột của thực dân, phong kiến và những tai họa có thể rơi xuống đầu người nông dân bất cứ lúc nào, như bão, lụt, bệnh tật, v.v.. Những cái đó đều có thể một sớm một chiều làm cho anh ta hoàn toàn kiệt quệ. Nhưng hãy cứ cho rằng anh có thể được yên ổn để kéo dài lối làm ăn cổ lỗ nói trên, thì cuộc sống của anh cũng vẫn không bao giờ thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn vất vả và nghèo đói.

Làm thế nào để có thể chấm dứt cái vòng luẩn quẩn ấy? Giá thử người nông dân có cách nào đó - ví dụ: Sửa đổi cách cày cấy, chăm bón - để thu hoạch được nhiều thóc hơn trên mảnh ruộng của mình. Như vậy, khi mùa vào, ngoài phần thóc dành cho việc ăn tiêu, anh có thể mua nhiều thóc giống, nhiều phân bón hơn vụ trước để sản xuất lại nhiều hơn. Và nếu vụ nào anh cũng làm được như thế, thì cuộc sống của anh không còn là một vòng luẩn quẩn nữa, mà sẽ là một vòng trôn ốc đi lên, càng lên càng mở rộng ra: Sản xuất mỗi vụ mỗi tăng và đời sống ngày một dồi dào.

Tất nhiên, dưới chế độ thực dân, phong kiến, người nông dân không thể làm như thế được. Ngày nay, nếu nông dân ta không đi vào con đường hợp tác hóa, thì cũng không làm như thế được. Nhưng câu chuyện trên đây cũng có thể giúp chúng ta hiểu rằng: Muốn đời sống ngày càng no ấm, đầy đủ, thì phải không ngừng nâng cao năng suất lao động. Có nâng cao năng suất lao động, mới có thể tăng tích lũy để mở rộng sản xuất.

Lênin đã nói: "Phân tích đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất cho sự thắng lợi của trật tự xã hội mới". Chúng ta cần suy nghĩ nhiều về lời dạy đó trong công việc hàng ngày của mình.

C.K.

-------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2157, ngày 13-2-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.472-473.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.