Một điều mà các nước tư bản chú ý nhất trong kế hoạch 5 năm thứ sáu của Liên Xô - là vấn đề cán bộ chuyên môn. Vì họ biết rằng: Trong cuộc thi đua hòa bình, vấn đề cán bộ sẽ quyết định ai thắng ai bại.

Hôm 21-2-1956, tờ báo tư sản Pháp Thế giới than phiền: “Nước Pháp thiếu rất nhiều cán bộ chuyên môn. Mỗi năm cần 3 vạn người, mà chỉ đào tạo được 2.000 người, vì thiếu trường, thiếu thầy”.

Tháng trước, các báo chí Mỹ cũng than phiền: Từ 1950 đến 1960, Liên Xô huấn luyện được 120 vạn chuyên gia, mà Mỹ chỉ đào tạo được 90 vạn người.

Vừa rồi, tờ báo tư sản Anh Tin tức viết: “Về mặt giáo dục kỹ thuật, thì các nước phương Tây đã lạc hậu một cách tuyệt vọng”.

Đài phát thanh Luân-đôn nhắc lại lời bình luận của một vị giáo sư Trường Đại học Birmingham: “So sánh việc bồi dưỡng cán bộ chuyên môn, thì nước Anh chỉ bằng 1 phần 10 Liên Xô; và về mặt trí thức, thì học sinh tốt nghiệp Liên Xô cũng hơn học sinh Anh, Mỹ…”.

Ở Liên Xô, năm 1955, có hơn 64 vạn cán bộ chuyên môn học xong trường cao đẳng và trung đẳng.

Hiện nay, trong các ngành kinh tế, có hơn 550 vạn cán bộ chuyên môn đã thi đỗ ở các trường cao đẳng và trung đẳng.

Các trường cao đẳng có hơn 186 vạn học sinh (không kể hơn 10 vạn người vừa làm vừa học), và hơn 10 vạn thầy dạy.

Số học sinh Đại học Liên Xô nhiều hơn tất cả số học sinh đại học của Anh, Pháp, Ý và các nước tư bản Tây Âu khác cộng lại.

Số cán bộ chuyên môn đào tạo cho công nghiệp nặng trong kế hoạch 5 năm thứ sáu sẽ nhiều gấp hai số đã đào tạo trong kế hoạch 5 năm thứ năm.

Thế mà bọn phản động còn dám tuyên truyền vu vơ rằng các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân không quý trọng trí thức! Thật là to họng nói càn!

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 734, ngày 7-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.