Anh em Trung Quốc gọi là cán bộ “xuống làng, lên núi”, hoặc là cán bộ “hạ phóng”, nghĩa là đi xuống. Để nói cho gọn, ở đây tôi cứ tạm dùng chữ cán bộ “đi xuống”.

“Đi xuống” là một dịp cho cán bộ trí thức thật sự tham gia lao động chân tay, để cải tạo và củng cố lập trường chính trị cho vững vàng, đồng thời rèn luyện thân thể cho cứng rắn. Như vậy, họ sẽ thành những người trí thức của giai cấp công nhân.

Từ ngày bắt đầu chỉnh phong (tháng năm năm ngoái) đến nay, đã có ba triệu cán bộ trí thức “đi xuống”. Trong số đó gồm có cán bộ các cấp, các ngành và nhiều học sinh tốt nghiệp các trường đại học. Có mấy vị thứ trưởng và tướng quân cũng tham gia.

Những cán bộ “đi xuống” đều tự giác tự nguyện. Trước khi đi, họ đều kinh qua một đợt thảo luận và chuẩn bị tinh thần. Kinh nghiệm cho biết rằng trong thời kỳ “đi xuống”, tâm lý của đại đa số cán bộ thường biến hóa qua ba bước:

- Khi mới đến, họ thấy người nông dân chịu khó, chịu nhọc, chất phác thật thà, làm lụng hăng hái, lập trường rõ ràng. Còn mình thì gặt không hay, cày không biết. Lúc đó, cán bộ trí thức còn tâm lý tự ti.

- Khi đã ở lâu, thì thấy nông dân cũng có chỗ lạc hậu, cũng có nhiều nhược điểm. Còn mình thì cũng lao động và cũng sinh hoạt được như họ, mà trình độ chính trị thì cao hơn. Lúc đó, cán bộ trí thức nảy ra tâm lý tự mãn.

- Khi đã được lao động dùi mài thêm và được những cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng rèn luyện thì họ nhận thức mình và nhận thức nông dân một cách đúng mức hơn. Mình dù có văn hóa, có lý luận, lao động cũng quen; nhưng về lập trường, quan điểm, tư tưởng, cảm tình giai cấp thì vẫn còn yếu. Muốn tự cải tạo triệt để, muốn thành người chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân, thì phải bền bỉ rèn luyện hơn nữa trong lao động và trong quần chúng.

Còn đối với nông dân thì cán bộ trí thức nhận rằng họ sẵn có những đức tính rất tốt: cần cù, chất phác, thật thà, lập trường giai cấp vững chắc, cảm tình giai cấp nồng nàn. Họ kiên quyết đi theo Đảng để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì nông thôn hợp tác hóa mới vài ba năm, ảnh hưởng xã hội cũ (như tự tư, bảo thủ, tản mạn...) còn ít nhiều lai láng trong đầu óc một số nông dân. Cho nên giáo dục nông dân là một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng.

*

* *

Sau đây là vài kinh nghiệm thực tế:

Trong đợt đầu, trường Đại học Nhân dân Bắc Kinh có 288 cán bộ “đi xuống”, trong số đó gồm:

- 94 đảng viên,

- 103 đoàn viên, thanh niên,

- 91 cán bộ ngoài Đảng.

- Có 40 phụ nữ và 25 người xuất thân từ gia đình công nông.

- 160 giáo sư và giáo viên. Còn những người khác là chủ nhiệm, khoa trưởng, thầy thuốc,...

Trước ngày lên đường, họ đã thảo luận hai mươi hôm để giải quyết những thắc mắc riêng, như: lo đi lâu thì nghiệp vụ sẽ bị bê trễ, lo cho tiền đồ, lo cho sức khỏe,...

Những ngày đầu về nông thôn, tất cả cán bộ đều cố gắng khắc phục ba khó khăn:

Vấn đề ăn - trước quen ăn kiểu thành thị, nay phải ăn như nông dân, nuốt không xuống. Nhưng vì đói, phải cố gắng ăn. Mươi hôm đầu, một phần ba cán bộ đau bụng!

Độ nửa tháng sau, lao động đã làm cho sức ăn của họ tiến bộ, chẳng những hết đau bụng, mà còn ăn được rất nhiều. Và trong quá trình lao động, họ nhận thức rằng một hột cơm, một củ khoai đều tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt làm ra, cho nên họ biết quý trọng, biết tiết kiệm cơm gạo.

Vấn đề ngủ - đại đa số cán bộ trước kia quen một mình một buồng, có đèn điện và quạt máy. Nay thì giường này kê giường khác trong gian nhà tranh của nông dân; năm ba người cùng chung một ngọn đèn dầu. Vài hôm đầu, nhiều người có hơi khó chịu.

Tuy điều kiện ăn và ở như vậy, nhưng không ai than phiền.

Vấn đề làm - đối với cán bộ trí thức, khó khăn này thật là to. Thí dụ: Bới lạc là một công việc nhẹ, nhưng phải làm liên tiếp suốt ngày và ngày này sang ngày khác. Phải cúi lom khom mà làm. Vài ba giờ sau, nhiều đồng chí đau lưng, đau chân, không cúi được, phải quỳ mà làm. Khi muốn đứng dậy, không đứng nổi! Đó là chưa kể những công việc nặng như cuốc đất. Mùa đông giá rét, đất rắn như gang, cuốc được vài thước, thì đau cả ruột, bỏng cả tay.

Mấy hôm đầu, ai cũng đau tay, đau lưng và đau chân. Tối về nhà, bê được hai chân lên giường là một cố gắng lớn.

Tuy vậy, không ai chịu khuất phục trước khó khăn. Tay phồng chăng? không sợ, cứ tiếp tục làm, ít hôm thì tay sẽ chai, không phồng nữa. Đau lưng, đau chân chăng? không sợ, cứ làm, mấy hôm làm quen, thì sẽ hết đau.

Độ nửa tháng sau, mọi người đều thấy rằng lao động chân tay làm cho sức họ càng ngày càng mạnh. Có những đồng chí thân thể gầy gò, tinh thần suy yếu, vì cố gắng lao động mà ngày càng khỏe thêm.

*

* *

Qua được ba cửa quan, tức là ăn quen, ở quen, làm quen, đại đa số cán bộ đều phấn khởi vì đã biết cày, biết cấy, biết nuôi lợn, biết đánh xe,...

Ai cũng giành lấy việc nặng mà làm. Ai cũng đi sớm về muộn.

Mồng một Tết là ngày nghỉ, nhưng vì việc thủy nông đang lở dở, tất cả cán bộ đều đi làm. Hôm đó tuy trời rét dưới 14 độ, nhiều đồng chí đã lội xuống nước để vét mương. Họ vừa làm vừa hát để khuyến khích lẫn nhau.

“Đất rét mặc đất, trời rét mặc trời

Ta quyết tâm thủy lợi kịp thời làm cho xong”.

Để tích trữ phân, nhiều nữ giáo sư sáng dậy đến các nhà nông dân đổ thùng nước tiểu, ban ngày đi làm, tối lại thắp đuốc đi nhặt phân. Trong một tháng, có người đã nhặt được hơn mười lăm gánh phân.

Một hôm, nữ đồng chí Trịnh Văn Mẫn bị cảm rét, ngất đi. Khi tỉnh lại, đòi tiếp tục lao động. Anh em ngăn không được, bèn khóa đồng chí ấy ở trong nhà. Nửa giờ sau, lại thấy đồng chí Trịnh ra cuốc đất. Mấy thí dụ ấy, chứng tỏ lòng hăng hái của cán bộ “đi xuống”.

Lao động khó nhọc và khẩn trương, nhưng đại đa số cán bộ mỗi tháng chỉ nghỉ một hoặc hai ngày chủ nhật; họ làm việc rất say mê.

Trước khi “đi xuống”, nhiều cán bộ trí thức xem nhẹ nông nghiệp, xem khinh người nông dân. Từ ngày về xã, họ thấy nông nghiệp là cực kỳ quan trọng đối với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó quan hệ đến đời sống của hàng trăm triệu đồng bào, và nông thôn có một tiền đồ vẻ vang vô hạn. Họ thấy người nông dân lao động có những phẩm chất rất cao quý: siêng năng, tiết kiệm, ngay thẳng, có sao nói vậy, nói với làm nhất trí, yêu quý hợp tác xã như gia đình mình.

Do trực tiếp tham gia sản xuất mà cán bộ trí thức nhận rõ hơn tính chất quan trọng của nông nghiệp, nhận rõ phương châm và chính sách của Đảng đối với nông nghiệp là rất đúng. Họ dần dần tăng cường quan điểm lao động và tập quán yêu lao động chân tay; họ biết yêu quý người nông dân lao động.

Do sự nhận thức đó mà nhiều cán bộ đã có ý muốn lao động suốt đời ở nông thôn, để trực tiếp góp phần vào việc xây dựng nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội.

Trước kia thấy cha mẹ, anh em mình đã tiếp thụ cải tạo, những đồng chí xuất thân từ giai cấp bóc lột tưởng như thế là xong xuôi, mà mất cảnh giác. Nay tham gia những cuộc đấu tranh giai cấp của quần chúng, các đồng chí ấy kiểm điểm lại tư tưởng chủ quan của mình, lại được sự giáo dục của quần chúng, mà lập trường cách mạng của họ được vững vàng hơn.

Hợp tác xã nông nghiệp ở đây tuy mới tổ chức vài ba năm nay, nhưng tính tập thể và tính kỷ luật của nông dân đã rất rõ rệt. Khi đội trưởng và tổ trưởng phân phối công việc, các xã viên đều vui vẻ làm, không ai kèn cựa việc nặng, việc nhẹ.

Khi có chỉ thị hoặc lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, họ đều hăng hái thi hành, không hề kêu ca khó dễ. Khi có những công việc to lớn, như chống hạn, chống lụt, toàn cả xã kéo nhau đi làm, không chờ ai đốc thúc. Những điều đó đã làm cho cán bộ trí thức suy nghĩ nhiều và liên hệ sâu sắc. Họ thấy rằng lực lượng tập thể là vô cùng vĩ đại, tài năng của cá nhân chẳng qua là một hột cát ở biển Đông. Họ thấy rằng chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng danh lợi là những cái xấu xa cần phải gột sạch.

*

* *

Lao động là trường học, nông dân là thầy dạy cán bộ trí thức đã cải tạo được lập trường và rèn luyện được thân thể. Đồng thời họ cũng góp phần vào việc phát triển văn hóa và cải tiến kỹ thuật ở nông thôn. Họ đã giúp nông dân cải tiến nhiều thứ nông cụ, xây dựng trạm điện và lập hơn ba mươi nhà máy nhỏ làm xi măng, phân hóa học, thuốc diệt sâu,...

Với một cái lò than, hai cái thau rửa mặt cũ và mấy cái chai, một nhóm cán bộ đã thí nghiệm thành công làm giây và bông nhân tạo bằng các thứ cỏ. Với tre và gỗ, họ đã làm xe đạp nước, năng suất hai người đạp bằng ba mươi người gánh. Nông dân đặt tên là “vua rồng”.

Họ đã cùng nông dân xây dựng nhiều trường trung học và tiểu học. Và một “Trường đại học Hồng Chuyên”. Trường đại học này có những cụ lão nông làm giáo sư. Cán bộ trí thức vừa giúp các cụ chuẩn bị tài liệu, tổng kết kinh nghiệm, vừa làm trợ giáo. Trường có những khoa: máy móc, chất đất, phân bón, thú y, trồng trọt, hóa học, kế toán,...

Tất cả cán bộ đều tham gia hoạt động văn nghệ và bình dân học vụ. Họ đã giúp hơn 2.300 nông dân xóa nạn mù chữ.

Nhiều cán bộ đã kết hợp trí thức chuyên môn của mình trong việc giúp nông dân sản xuất. Cũng có cán bộ vừa làm vừa học mà trở nên chuyên gia. Như nữ đồng chí Tống Thiệu Bân, nguyên là một giáo viên dạy các tiếng nước ngoài, nay đã thành thầy thuốc, chữa dê, chữa lợn. Một giáo sư lịch sử đã trở nên người thợ đóng xe đạp nước,...

Lao động cũng là một “viên đá thử vàng” để thấy rõ tinh thần trách nhiệm của những người cán bộ “đi xuống”. Thí dụ: Định thử dùng vỏ cây hạnh đào chế một thứ phân bón ruộng, nhóm cán bộ ở làng Thanh Thủy giao việc này cho giáo sư A. A vào thành phố nghiên cứu, sau một tháng, A kết luận rằng ở nông thôn thiếu điều kiện, không làm được.

Đến cán bộ B thí nghiệm mấy lần thất bại, rồi cũng bỏ.

Tiếp đến nữ đảng viên Lương Tự Hoa kiên trì thí nghiệm hơn năm mươi lần vẫn thất bại. Nhưng đồng chí Lương nói: Vì lợi ích của nông dân, phải quyết tâm làm cho kỳ được. Kết quả thí nghiệm đến năm mươi lăm lần, đồng chí Lương đã thành công.

Việc đó đã giáo dục các cán bộ trí thức rằng: cần phải “hồng” trước, “chuyên” sau thì mới phục vụ được nhân dân.

Thạc sĩ đi gánh phân, giáo sư đi đào đất. Có lẽ một số cán bộ trí thức Việt Nam ta cho như thế là “bần cùng hóa trí thức”. Nhưng anh em trí thức Trung Quốc lại tự hào như thế là vẻ vang.

Nói tóm lại: trực tiếp tham gia lao động chân tay ở nông thôn đã giúp cán bộ trí thức cải tạo, trở nên đã “hồng” lại “chuyên”. Đồng thời cán bộ trí thức lại giúp nông dân tiến bộ nhảy vọt trong công việc phát triển văn hóa và cải thiện kỹ thuật.

Nông dân viết nhiều thơ trên báo chữ to để bình nghị thành tích của cán bộ trí thức “đi xuống”. Tôi xin dịch vài bài như sau:

Khen người cán bộ trí thức:

“Hăng hái lao động,

Như người nông dân

Chỉ khác một chút:

Mang đôi kính dâm”.

Khen thành tích của cán bộ trí thức:

“Đánh đổ tư tưởng bảo thủ,

Khoa học khắp nơi nở hoa.

Xây dựng Đại học “Hồng Chuyên”

Bồi dưỡng công nông chuyên gia”.

Khen nữ đồng chí Tống Thiệu Bân:

“Tay xách mấy lọ thuốc

Chữa bệnh lợn và dê,

Nông dân khen cán bộ: Giỏi ghê!”.

Khen việc phát triển các trường học do cán bộ “đi xuống” giúp xây dựng:

“Hỡi cô con gái má hồng

Vào trường trung học, có chồng hay chưa?

Học giỏi thì ai chả ưa,

Lý luận cũng thạo, cày bừa cũng oai.

Gửi cô một đóa hoa nhài

Một bài tâm sự, một bài thơ nôm”.

TRẦN LỰC

---------------------

Báo Nhân Dân, số 1621, ngày 20-8-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.