.

Nghĩa là: học trò vừa học vừa làm, tự cấp tự túc; Chính phủ không phải giúp tiền, nhà trường vẫn phát triển tốt. Phong trào này đang lan khắp các trường học ở Trung Quốc. Vài thí dụ:

Các trường trung học như trường Tràng Cát (tỉnh Hà Nam), lao động chân tay là một môn học như các môn khác. Thầy và trò đã vỡ được gần mười mẫu đất hoang, chia làm sáu khu thực tập. Khu thì trồng bông, mía, thuốc lá. Khu thì trồng ngô, lúa, khoai lang.... Trong vườn thì nuôi lợn, gà, thỏ... Cả trường chia thành 18 tổ sản xuất. Mỗi ngày có giờ sản xuất nhất định. Thầy và trò đã tự làm được 140 thứ nông cụ to và nhỏ. Mùa đông vừa qua, trường đã trữ được 400 xe phân, 13.500 lít nước đái, một vạn cân lá khô ủ làm phân. Ở hai bên đường cái và những nơi đất hoang gần trường, họ đã trồng được 28.700 cây các loại và 10 mẫu rừng. Công việc trong trường như xây dựng nhà ở, sửa sang đường sá, v.v. đều do thầy và trò tự làm lấy.

Kết quả là năm ngoái trường đã thu hoạch 9.000 cân thóc, 8.500 cân khoai, 1.900 cân lạc, 1.800 cân rau,... Đợt nghỉ hè năm ngoái, 600 học sinh đã đi lao động 80 ngày được gần 16.000 đồng tiền công. Các số thu hoạch ấy dùng vào những việc lợi ích chung như tạo thêm nông cụ, mua thêm sách báo, cải thiện sinh hoạt, giúp đỡ những học trò nghèo túng.

Kết quả to nhất là nhà trường đã bồi dưỡng học sinh thành những cán bộ tốt cho công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, họ vừa yêu lao động, vừa có kỹ thuật.

Lúc đầu một số học sinh đến trường vì nếu ở nhà thì phải lao động chân tay, một số thì e lao động nhiều thì ảnh hưởng không tốt đến việc học văn hóa... Nhưng sự thật đã chứng tỏ học và hành đều kết quả tốt. Như năm ngoái khi thi tốt nghiệp các trường khác chỉ có 15% học sinh được chuyển lên lớp mà trường Tràng Cát thì được 25% học sinh được lên lớp. Trong số 220 học sinh thôi học về làng tham gia sản xuất thì 53 người được bầu làm chiến sĩ lao động, 19 người được bầu làm bí thư chi đoàn thanh niên, hai người được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, v.v..

Trường cao đẳng kỹ thuật hàng không Tây An sửa lại một tập trung dinh đã đổ nát của Quốc dân đảng làm nhà trường. Mọi việc xây dựng đều do thầy và trò (1.000 người) tự làm lấy.

Lúc đầu một số giáo sư và sinh viên tỏ ý ngại khó.

Một số đồng chí trong ban lãnh đạo nhà trường đã từng phụ trách "công binh xưởng" của bộ đội du kích. Các đồng chí này nói: "Trong thời kỳ du kích, quân đội ta chỉ có mấy cái máy cũ quay bằng tay, thiếu thốn mọi thứ, mà vẫn làm được vũ khí để đánh thắng giặc. Nay trường ta thiết bị đầy đủ gấp mấy mươi lần, chúng ta nên cố gắng tự lực cánh sinh; không nên cái gì cũng ỷ lại vào Chính phủ giúp". Các đồng chí ấy thuật lại cho sinh viên nghe những những chuyện đấu tranh gian khổ trong thời kỳ cách mạng và tổ chức những cuộc đi nghiên cứu cách làm ăn khó nhọc của nông dân. Nhờ vậy mà tư tưởng thầy và trò đều thay đổi, mọi người trở nên hăng hái, kiên quyết thực hiện khẩu hiệu "không xin tiền Chính phủ, dùng sức lao động mà xây dựng nhà trường".

Thầy và trò đồng cam cộng khổ, cùng nhau làm thêm nhà trường, nuôi lợn, trồng rau để giải quyết vấn đề ăn và ở. Thầy vừa dạy vừa làm, trò vừa làm vừa học. Năm ngoái, họ đã chế tạo được hơn 100 thứ máy thường, 20 thứ máy tinh vi, đánh giá 210 vạn đồng. Với số tiền ấy nhà trường đã hoàn toàn tự túc lại còn thừa 70 vạn đồng để phát triển sản xuất. Thế là mỗi năm nhà trường đào tạo cho ngành hàng không 300 cán bộ kỹ thuật, mà Chính phủ không phải phụ cấp một đồng nào.

Các trường đại học như Phục Đán, Tứ Xuyên, Thẩm Dương, Nam Khai, v.v. đều có những tổ lao động chân tay như các tổ cắt tóc, chữa giày, sửa xe, bán kem, v.v.. Trường đại học Nam Kinh thì sinh viên yêu cầu nhà trường quy định: suốt thời kỳ ở nhà trường, sinh viên sẽ tham gia lao động chân tay ít nhất là 1.000 giờ. Ngoài những giờ giáo dục lao động ở lớp học, mỗi tuần lễ có những giờ nhất định để lao động trong và ngoài trường, như thay phiên quét dọn nhà trường, phân công trồng cây và làm vườn, chủ nhật và những đợt nghỉ hè thì về tham gia sản xuất ở nông thôn. Nhà trường thành lập những tổ tăng gia sản xuất như nuôi lợn, gà, làm đậu phụ, v.v..

Nói tóm lại: phong trào "cần công, kiệm học" đang lan khắp các trường.

Phong trào lao động trí óc kết hợp với lao động chân tay cũng phát triển mạnh. Trong mấy tháng vừa qua, hơn 29.000 cán bộ tri thức của các cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản và của Chính phủ Trung ương đã đi tham gia sản xuất ở các nông thôn, và một số lớn nữa sẽ tiếp tục đi sau. Trong số đó 2 phần 3 là đảng viên Đảng cộng sản và đoàn viên thanh niên cộng sản.

Riêng Bộ Văn hóa, 90% cán bộ đã xung phong xin đi, nhưng Bộ mới phê chuẩn 2.000 người, gồm có những cán bộ làm kịch, chiếu bóng, viết báo, v.v.. Thứ trưởng Bộ Văn hóa là đồng chí Lưu Chí Minh đã cùng 260 cán bộ về sản xuất ở các hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi Thông Hoa. Nhiều nghệ sĩ lão thành và nổi tiếng như ông Mai Lan Phương (ngoài 60 tuổi) cũng sắp đi phục vụ ở các nông thôn nhà máy và hầm mỏ. Thật là một phong trào vĩ đại "tri thức công nông hóa".

TRẦN LỰC

---------

Báo Nhân Dân, số 1450, ngày 1-3-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.