Nông thôn miền Bắc đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa. Đó là một thắng lợi lớn bước đầu.

Ban công tác nông thôn trung ương đang hướng dẫn các nơi thi đua bốn tốt:

- đoàn kết tốt,

- sản xuất tốt,

- quản lý tốt,

- chấp hành chính sách tốt.

Thế là rất đúng.

Để làm cho phong trào thi đua ấy rộng khắp, sôi nổi, bền bỉ và kết quả tốt, thì cần phải đẩy mạnh việc giáo dục chủ nghĩa xã hội cho mọi cán bộ và đảng viên, cho mọi đoàn viên thanh niên và xã viên hợp tác xã.

Bần nông và trung nông lớp dưới là những người nửa vô sản. Họ dễ dàng tiếp thụ chủ nghĩa xã hội và đại đa số đã vào hợp tác xã từ lâu.

Trung nông lớp trên, vì có ruộng đất, trâu bò phần hơn, hiện giờ làm ăn sinh hoạt khá hơn, cho nên họ chịu ảnh hưởng tư sản nặng hơn, thấm nhuần chủ nghĩa xã hội cũng khó hơn.

Cán bộ ta nói chung là tốt. Nhưng vẫn có một số ít chưa giũa gọt hết chủ nghĩa cá nhân, chưa rửa sạch hết thói xấu tham ô lãng phí, chưa đi đúng đường lối quần chúng...

Vì vậy, đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chống tư tưởng tư hữu là việc rất cấp bách và rất quan trọng.

Từ chỗ làm ăn riêng lẻ chuyển biến sang làm ăn tập thể, từ những hợp tác xã lẻ tẻ chuyển biến đến hợp tác xã khắp miền Bắc, đó là sự chuyển biến cực kỳ to lớn trong lề lối sản xuất và trong thói quen sinh hoạt của hàng triệu nông dân. Nó đòi hỏi tư tưởng của hàng triệu con người cũng phải chuyển biến. Khi đã được chủ nghĩa xã hội soi sáng, tư tưởng mọi người đã chuyển biến tốt, thì đạo đức cách mạng và tinh thần tập thể của quần chúng sẽ biến thành một lực lượng vô cùng to lớn.

Giáo dục phải thiết thực, làm cho mọi cán bộ và xã viên nhận rõ rằng: Để đi đến chủ nghĩa xã hội vẻ vang thì mọi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình, phải tích cực góp phần vào công việc củng cố hợp tác xã, phải cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Trước mắt phải ra sức thu hoạch tốt vụ mùa và chuẩn bị tốt cho vụ Đông - Xuân.

Cán bộ thì phải nắm thật vững phương châm, chính sách của Đảng, đi thật đúng đường lối quần chúng. Muốn làm được như vậy, thì cán bộ phải thực hiện "bốn cùng", tức là: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc công việc với quần chúng trong hợp tác xã. Đó là cái "cẩm nang" để vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành mọi kế hoạch.

T.L.

----------------

- Báo Nhân Dân, số 2406, ngày 20-10-1960, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.702-703.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.