Chúng ta có kinh nghiệm tốt của Đại Phong. Nhiều nơi khác lại có kinh nghiệm tốt về từng ngành, từng việc. Thí dụ:

Kinh nghiệm cải tiến nông cụ ­- Về việc này, Xuân Lai (Thanh Hóa) là một xã tiên tiến. Hiện nay, Xuân Lai đã dùng toàn cày và bừa cải tiến thay thế cho cày bừa kiểu cũ. Họ cũng đã dùng máy cấy thô sơ, và xe bò xe cóc để giải phóng đôi vai.

Nhờ cải tiến nông cụ mà Xuân Lai cày sâu, bừa kỹ, làm nhiều phân bón, cấy kịp thời vụ. Kết quả là năng suất lúa tăng gấp ba năm ngoái. Hơn nữa, Xuân Lai lại còn thừa sức lao động để cấy thêm 26 mẫu tây lúa Nam Ninh, đưa một số xã viên đi vỡ hoang được 18 mẫu, và cho một số xã viên đi gặt giùm xã bạn.

Nay Xuân Lai đang cố gắng tiến lên nữa.

Làm được như vậy, là do Đảng ủy xã có quyết tâm, xã viên đều tin tưởng, mọi người hăng hái góp ý kiến, góp công sức, góp nguyên liệu, vật liệu để cải tiến nông cụ.

Kinh nghiệm nuôi lợn - Cách đây nửa năm, số lợn của xã Quảng Hải (Thanh Hóa) sụt xuống còn một nửa. Do đó, thu nhập của xã viên và phân bón cho ruộng đất đều sút kém.

Chi bộ đã cùng xã viên bàn bạc và giải quyết vấn đề nuôi lợn:

Xã viên thiếu vốn để nuôi lợn, hợp tác xã tạm cho vay tiền.

Lợn thiếu cám; cả xã phát động phong trào trồng cây làm thức ăn cho lợn. Họ không để một tấc đất hoang. Họ biến bờ rào gai thành hàng chục cây số “bờ rào ba”, tức là trồng ba thứ: ngoài trồng cỏ voi, giữa trồng sắn, trong trồng củ dong. Họ thi đua trồng ngô, lang, đu đủ… Bình quân mỗi người có một sào cây thức ăn cho lợn.

Họ nuôi lợn bằng “2 tay”, tức là lợn nuôi chung của hợp tác xã và lợn nuôi riêng của xã viên. Hợp tác xã cải tiến cách nuôi để làm kiểu mẫu, và cung cấp lợn giống tốt cho xã viên. Hiện nay, hợp tác xã đã có 350 con lợn và xã viên 2.500 con. Tính đổ đồng mỗi hộ có 2 lợn rưỡi.

Nhiều lợn thì nhiều phân; hợp tác xã đã bón gần 2 tấn rưỡi phân chuồng cho một mẫu tây lúa vụ thu, và trữ được 5 tấn cho mỗi mẫu tây vụ mùa. Xã viên rất vui vẻ phấn khởi.

Có kết quả đó, là vì chi bộ lãnh đạo tốt, tổ chức khéo, phân công phụ trách rõ ràng, đi đúng đường lối quần chúng.

Những việc Đại Phong, Quảng Hải và Xuân Lai làm được, thì các hợp tác xã khác cố gắng nhất định cũng làm được.

Nhiệm vụ của các chi bộ ở nông thôn là phải làm cho hợp tác xã ở địa phương mình học tập những kinh nghiệm tốt của Đại Phong, Quảng Hải và Xuân Lai.

T.L.

--------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2694, ngày 6-8-1961, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.175-176.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.