Muốn xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì mỗi người công dân ta phải thực hành cầnkiệm. Cần để nâng cao không ngừng năng suất lao động. Kiệm để tích trữ thêm vốn, mở rộng sản xuất.

Kiệm mà không Cần thì cũng vô ích. Cần mà không Kiệm thì tay không lại hoàn tay không.

Từ một nước nghèo, Liên Xô trở thành giàu mạnh vào bậc nhất thế giới cũng vì nhân dân Liên Xô rất Cần, rất Kiệm. Chỉ trong chín tháng đầu năm nay, Liên Xô đã tăng năng suất lao động hơn 8% và tiết kiệm được hơn 9.000 triệu đồng rúp.

Nước ta còn lạc hậu, dân ta còn nghèo, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, muốn cải thiện đời sống, thì chúng ta càng phải Cần phải Kiệm, phải chống lười biếng, chống lãng phí.

Các ngành, các nghề đều phải như vậy. Bài này chỉ nói về hợp tác xã nông nghiệp.

Phải cần kiệm để xây dựng hợp tác xã. Điều đó cán bộ và xã viên phải hiểu thật thấu, phải nhớ thật kỹ, phải thực hành cho kỳ được, thì hợp tác xã mới củng cố và phát triển tốt.

Hiện nay, có một số hợp tác xã chưa hiểu điều đó, không làm đúng như vậy. Vài ví dụ:

Để "liên hoan", Hợp tác xã Bái Khê đã làm thịt một con bò, Hợp tác xã Ngô Quyền đã giết hai con lợn, đáng giá 90 đồng, chưa kể phí tổn về cơm nước (Hai hợp tác xã này đều ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên).

Đó là việc lãng phí thật đáng phê bình, trước hết là phê bình các cán bộ. Sau khi ăn uống, nhiều xã viên đã phàn nàn: "Chưa biết thu hoạch thế nào mà đã chén trước". Phàn nàn là đúng.

Nếu dùng số tiền ấy vào việc khác thì ích lợi cho hợp tác xã biết bao. Ví dụ: Với 90 đồng, hợp tác xã có thể:

mua 400 ký thóc,

hoặc 9 con lợn giống,

hoặc 50 con gà mái tơ,

hoặc 30 cái lưỡi cày "51",

hoặc 6 cái bừa,

hoặc 39 cái cuốc bàn,

hoặc 26 cái cào cỏ 10 răng,

hoặc 30 con dao phạt cỏ,

hoặc 3 năm 7 tháng báo Nhân dân,

hoặc 300 quyển sách phổ thông để lập một tủ sách cho xã viên,

hoặc mua đủ tre nứa làm một câu lạc bộ nhỏ cho hợp tác xã, v.v.. Vậy có thơ rằng:

Chúng ta phải kiệm phải cần,

Thì nước mới mạnh, thì dân mới giàu.

TRẦN LỰC

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 2069, ngày 15-11-1959, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.328-329.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.