Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì nhất định phải phát triển mạnh nông nghiệp. Muốn phát triển nông nghiệp thì đi đôi với cải tiến quản lý hợp tác xã, việc quan trọng bậc nhất là công tác thủy lợi.

Hàng năm, Nhà nước chi rất nhiều tiền bạc, và nhân dân dùng rất nhiều công phu vào thủy lợi (năm ngoái, là hơn 74 triệu 17 vạn đồng và 131 triệu ngày công).

Tuy vậy, kế hoạch năm 1962 của ngành thủy lợi không hoàn thành toàn bộ. Vì sao?

Vì cách động viên và cung cấp sức người theo lối "cắt phiên và gọi lượt" nay đã lạc hậu rồi. Cách này gây ra nhiều khó khăn. Ở công trường thì sức người khi thừa, khi thiếu và năng suất rất thấp. Ở hợp tác xã thì nó đảo lộn kế hoạch quản lý lao động. Đối với xã viên thì nó ảnh hưởng đến sản xuất. Đối với cán bộ xã, thì nó bắt buộc họ chạy suốt mùa, chuẩn bị lượt dân công này chưa xong đã phải chuẩn bị lượt dân công khác, v.v..

Thế thì phải làm thế nào để cải tiến công tác thủy lợi?

Sáng kiến của thanh niên hợp tác xã Hồng Thái [1] đã trả lời câu hỏi ấy [2].

Trong lúc ở công trường, mỗi người mỗi ngày chỉ được một thước khối, thì đội chuyên môn làm thủy lợi Hồng Thái đã đưa năng suất mỗi người mỗi ngày lên 6 thước khối. Cũng vì có đội chuyên môn đó mà hợp tác xã Hồng Thái đã chống được hạn và úng, đưa việc sử dụng ruộng đất từ 1,8 lần lên 2,5 lần, việc trồng cây và nuôi cá cũng phát triển mạnh, v.v.. Như thế là rất lợi cho Nhà nước, cho hợp tác xã và cho cả mọi xã viên.

Tỉnh Nghệ An đã lập được hơn 200 đội chuyên môn làm thủy lợi, do đó mà lần đầu tiên Nghệ An đã hoàn thành kế hoạch thủy lợi được toàn diện.

Cái tốt, cái lợi của đội chuyên môn đã rõ ràng. Hồng Thái làm được thì không lẽ gì các hợp tác xã khác không làm được. Nghệ An làm được thì không lẽ gì các tỉnh khác không làm được.

Vấn đề là Bộ Thủy lợi và các cấp ủy tỉnh và huyện phải ra sức phổ biến kinh nghiệm tốt của Hồng Thái và của Nghệ An; các hợp tác xã phải cố gắng tổ chức tốt những đội chuyên môn làm thủy lợi.

Một điểm nữa: Chúng ta có những kiện tướng làm thủy lợi như các đồng chí Phạm Thị Vách, Bùi Đức Ngân, Lê Văn Khương, Bùi Văn Chất, mỗi người làm được 500 đến 600 thước khối, họ có nhiều kinh nghiệm quý báu. Vì sao ngành thủy lợi không tổ chức cho các đồng chí ấy luân lưu đến các công trường để phổ biến kinh nghiệm tốt của họ. Nếu mỗi người trên công trường đều học tập và đưa năng suất của mình lên chỉ bằng một nửa năng suất của các đồng chí Vách, Ngân... thôi (tức là 250 đến 300 thước khối) thì cũng đã là một thành công rất to của ngành thủy lợi.

T.L.

--------------------------------

[1] Hợp tác xã Hồng Thái thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương (BT).

[2] Xem báo Tiền phong, ngày 5-12-1962 (TG).

- Báo Nhân Dân, số 3215, ngày 13-1-1963, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.2-3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.