Sen tàn, cúc đã nở hoa

Tháng ngày thấm thoát, thu đà sang đông.

“Con bò, con trâu là đầu cơ nghiệp”. Vì vậy, mùa đông giá rét, nông dân ta cần phải chăm sóc cho trâu bò được ấm no.

Có nhiều hợp tác xã làm đúng như vậy và đã thu được kết quả tốt đẹp. Ví dụ: Hợp tác xã Đồng Xuân Tiến (Ninh Bình), năm 1961 chỉ có 27 con trâu, đáng giá hơn 4.725 đồng. Vì khéo chăn nuôi, năm 1963 số trâu đã tăng lên 57 con và đáng giá 12.500 đồng.

Năm 1961, vì còn thiếu trâu bò, hợp tác xã phải tổ chức những đội người kéo bừa và cuốc ruộng, mỗi mẫu Bắc Bộ chỉ được bón 250 cân phân, bình quân mỗi mẫu chỉ gặt được 684 cân thóc.

Năm 1963, nhờ số trâu bò tăng, phân bón nhiều, mà thu hoạch cũng tăng - mỗi mẫu được 805 cân thóc. Cố nhiên, không phải dùng người thay thế trâu bò kéo bừa, cuốc ruộng như ngày trước nữa.

Các hợp tác xã Văn Quán và Phi Trạch (Hà Đông), Lộc An (Quảng Bình) cũng là những hợp tác xã khéo chăn nuôi trâu bò.

Trái lại, có những hợp tác xã vì cán bộ và xã viên thiếu tinh thần làm chủ tập thể, thiếu ý thức trách nhiệm để trâu bò chết nhiều như:

Hợp tác xã Ô Mễ (Hà Nam) trong ba năm đã để chết 84 con trâu!

Hợp tác xã Hòa Đam (Hưng Yên) từ năm 1961 đến năm 1963 để chết 36 trâu bò.

Hợp tác xã Phương Tú (xã Phương Tú, Hà Đông) có 61 con trâu, để chết 12 con. Trong lúc đó hợp tác xã Phi Trạch cũng ở xã Phương Tú có 52 con trâu đều béo khỏe.

Năm ngoái, cả miền Bắc đã để chết mất 23.000 con trâu bò. Cứ tính mỗi con là 200 đồng, thế là đã thiệt hại cho tập thể và cho xã viên độ 46 triệu đồng, quy ra hơn 17.000 tấn thóc. Đó là chưa kể vì thiếu phân bón, thiếu sức kéo mà ảnh hưởng xấu đến thu hoạch, đến đời sống của xã viên. Trong số trâu bò bị đói rét mà chết, thì các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa chiếm con số nhiều nhất - từ 2.000 đến 2.380 con!

Đó là một kinh nghiệm rất chua xót. Chúng ta quyết phải sửa chữa cho kỳ được. Mùa đông này, Bộ Nông nghiệp đã có chỉ thị rõ ràng (17-9-1964) về việc bảo vệ trâu bò. Các cấp đảng bộ và chính quyền địa phương phải thi hành kịp thời và nghiêm chỉnh chỉ thị đó. Phải có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn các hợp tác xã chăn nuôi trâu bò cho tốt; không để trâu bò chết vì tật bệnh, vì đói rét. Phải theo dõi, đôn đốc và kiểm tra đến tận mỗi hợp tác xã.

Đảng sẽ lấy việc chăn nuôi trâu bò mà đánh giá chi bộ nào, hợp tác xã nào và địa phương nào làm tốt hay là kém cuộc cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật.

Một điều nữa cần chú ý là, kinh nghiệm nhiều nơi đã chứng tỏ rằng nếu khéo tổ chức thì các cụ phụ lão và các em nhi đồng có thể góp phần quan trọng trong công việc chăn nuôi tốt trâu bò.

Ai ơi thương lấy trâu bò,

Trâu bò là gốc ấm no của dân cày!

T.L.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 3868, ngày 2-11-1964, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.407-408.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.