Hiện nay, số đông nông dân ta vẫn dùng những nông cụ lạc hậu như tổ tiên ta đời xửa đời xưa. Vì vậy, làm lụng rất khó nhọc mà năng suất thì rất kém cỏi.

Muốn tăng gia sản xuất thì chúng ta nhất định phải quyết tâm cải tiến nông cụ. Sau đây là vài kinh nghiệm của bà con nông dân Khu tự trị Choang (Quảng Tây). Khu tự trị ấy có tám triệu người có sức lao động chính, trong số đó độ chừng:

- Công nhân ở các xưởng máy 80 vạn người.

- Phục vụ các nhà ăn công cộng, vườn trẻ, v.v., 80 vạn người.

- Chuyên việc giữ gìn thủy lợi 40 vạn người.

- Chuyên việc chăn nuôi 28 vạn người.

- Làm gỗ, làm rừng 28 vạn người.

- Nghề nuôi cá và nghề phụ khác 24 vạn người.

- Giao thông vận tải 16 vạn người.

- Đàn bà có thai và những người đau ốm 64 vạn người...

Trừ những số người đó thì sức lao động chuyên về ruộng đất có độ bốn triệu người. Tính đổ đồng mỗi năm mỗi người lao động 270 ngày. Cộng cả là 1.080 triệu ngày lao động.

Để làm hết ruộng đất, cần có hơn 1.246 triệu ngày công. Như thế là còn thiếu hơn 166 triệu ngày lao động (tức là thiếu hơn 61 vạn người lao động).

Vả chăng nếu cứ dùng những nông cụ lạc hậu thì chậm trễ, không kịp thời và sản xuất không thể tăng gia được. Vì vậy, nhất định phải cải tiến nông cụ. Cải tiến nông cụ phải nhằm vào những điểm chính:

- Vận tải: Trong nghề làm ruộng, việc vận tải là khó nhọc và mất nhiều công nhất. Từ khi gánh phân và mạ ra đồng đến khi gánh lúa và rơm rạ về nhà, việc vận tải đó đã chiếm hết độ 50% sức lao động. Vì vậy, phải dùng xe cút kít thay cho đòn gánh. Năng suất của một người xe nhiều gấp ba, bốn lần năng suất của người gánh.

- Dùng "máy" cấy, năng suất nhiều gấp năm, sáu lần cấy bằng tay. Người ta lại khỏi khom lưng suốt ngày, trên thì nắng, dưới thì nước.

- Gặt bằng "máy" nhanh gấp ba lần gặt bằng tay.

- Thái khoai, thái sắn bằng "máy" nhanh gấp bảy, tám lần thái bằng tay, v.v..

"Máy" tát nước, bừa đất, làm cỏ, v.v., năng suất đều gấp hai, gấp ba lần.

Nói tóm lại, dùng các nông cụ cải tiến thì vừa làm nhanh, làm tốt, vừa đỡ khó nhọc nặng nề.

Ở miền Bắc nước ta, cũng có nơi nông dân (nhất là thanh niên) đã biết cải tiến nông cụ và đã thu được kết quả khá, nhưng chưa thành phong trào rộng rãi. Để đẩy mạnh phong trào cải tiến nông cụ, đảng bộ các địa phương cần phải thực hiện chỉ đạo riêng: Dựa vào các lực lượng của hợp tác xã nông nghiệp, mỗi tỉnh hoặc mỗi huyện phải làm thí điểm thật tốt ở một vài xã. Khi xã thí điểm đã làm tốt, thì mời nông dân và thanh niên các xã khác đến tham quan, làm thử, thảo luận, phê bình, học tập, rồi về làm ở xã mình. Đó là cách tuyên truyền tốt nhất. Khi bà con nông dân đã trông thấy rõ cải tiến nông cụ là có lợi, thì nhất định họ sẽ hăng hái làm theo.

Việc này cũng như mọi việc khác, đảng viên và đoàn viên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu.

T.L.

---------

- Báo Nhân Dân, số 2270, ngày 6/6/1960, tr.3.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.581-583.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.