Đảng và Chính phủ ta ngày đêm lo lắng giải quyết tốt vấn đề ăn cho nhân dân. Đồng bào ta nói chung đều tiết kiệm từng bắp ngô, từng bát gạo để bán nhiều lương thực cho Nhà nước.

Nhưng vẫn còn một số người tham lam, đồi bại, lãng phí lương thực, lén lút nấu rượu lậu để kiếm tiền. Vài thí dụ:

Hà Đông: Thôn Châu Mai có 115 hộ, thì 90 hộ nấu rượu lậu. Ở các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa... rải rác cũng có nấu rượu lậu.

Hà Bắc: Xóm Chẹm có 80 hộ, thì 50 hộ nấu rượu lậu. Mỗi tháng lãng phí hơn 180 tạ gạo.

Tệ rượu lậu lại đẻ ra nhiều tệ xấu khác: Họ chỉ lo nấu rượu mà lơ là việc trồng trọt, chăn nuôi. Bán rượu lậu, sẵn tiền bất nghĩa, sinh ra nạn cờ bạc, bóc lột lẫn nhau. Sẵn rượu thì thường say sưa hỗn xược, đánh chửi lẫn nhau, làm rối trật tự, an ninh, phá hoại mỹ tục thuần phong, làm mất tinh thần đoàn kết...

Tệ rượu lậu còn làm cho cán bộ và đảng viên sa đọa, mất hết đạo đức cách mạng. Thí dụ: Ở xóm Chẹm, bí thư đoàn thanh niên, cán bộ ban quản trị và mấy đảng viên đã bị bắt quả tang!

Có thể trừ tiệt được tệ nấu rượu lậu không? Nhất định trừ tiệt được. Một thí dụ cụ thể:

Thanh Hoá: Trước đây xã Cần Lộc (huyện Hậu Lộc) có 840 hộ, thì 405 hộ nấu rượu lậu. Mỗi ngày lãng phí hết độ 4.500 cân gạo.

Khi chi bộ vận động cấm nấu rượu lậu thì nhân dân nói: "Nếu cán bộ và đảng viên thôi nấu rượu lậu thì chúng tôi sẽ xin chừa hết!". Đảng ủy và chi bộ bèn mở cuộc phê bình và tự phê bình nghiêm khắc, buộc cán bộ và đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. (Trước kia trong số 405 hộ nấu rượu lậu, có cả một số đảng ủy viên và đảng viên). Từ đó, ở xã Cần Lộc đã chấm dứt được tệ nấu rượu lậu. Chỉ còn 12 người ngoan cố thì đã được khép vào kỷ luật. Cũng từ đó nhân dân Cần Lộc đã tập trung lực lượng thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để trở thành một xã tiên tiến.

Kết luận: Các cấp đảng bộ và chính quyền phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân thấy rõ rằng nấu rượu lậu là một việc phạm pháp luật và rất xấu xa, đồng thời phải có kỷ luật rất nghiêm khắc đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa chữa. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải làm gương mẫu. Như vậy thì nhất định chấm dứt được tệ nấu rượu lậu.

T.L.

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3349, ngày 29-5-1963, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.114-115.

Tin liên quan

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi đề từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911.
Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy theo tính chất công việc hoặc yêu cầu nhiệm vụ của từng lãnh vực công tác, từng giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng". Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng và nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.
Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.