Việc to cũng như việc nhỏ, Đảng và Chính phủ ta đều lo phục vụ lợi ích của nhân dân. Đối với các thứ hàng hóa cần dùng hàng ngày cũng vậy. Cán bộ và công nhân ta nói chung đều thấm nhuần tinh thần đó, và cố gắng sản xuất hàng hóa cho tốt.

Nhưng vẫn có một số cán bộ và công nhân kém tinh thần trách nhiệm, sản xuất hàng hóa xấu, làm thiệt thòi cho nhân dân. Sau đây là mấy ví dụ:

- Kim khâu quá to, khó khâu, hay làm đứt chỉ.

- Đinh (của Công ty Phú Lợi) quá xấu. Người ta mua 500 cân, thì non một nửa không dùng được.

- Xe đạp Thống Nhất có cái mới đi 30 cây số đã xộc xệch.

- Bán vali mà không bán khóa.

- Khăn mặt, có cái dùng một tháng đã rách.

- Áo đi mưa, mặc dăm lần đã đứt cúc.

- Ủng đi mưa, 12 đồng một đôi, chỉ dùng được vài tháng.

- Áo may sẵn cho trẻ con, mới mặc một buổi thì 3 khuy đã rơi mất 2.

- Bút máy Trường Sơn có cái dùng được vài tháng thân bút đã nứt.

- Bút chì Hồng Hà thường hay gãy, không vót được.

(Trích báo Nhân Dân, 17-11-1962).

- Dép da Minh Tân khâu dối. Mấy nghìn đôi bị ứ đọng không bán được.

- Vở bán cho học sinh, gạch xiêu vẹo, bị mực hoen ố, bị loại ra 10 vạn tập.

- Giường bán mỗi chiếc 70 đồng, nhưng mua về lắp vào không được, lỗ đục nhỏ mà mộng thì to. Giường ghế đóng không đúng quy cách, cán bộ mậu dịch vẫn cứ nhận.

(Trích báo Thời mới, 20-11-1962)

Những khuyết điểm nói trên đã trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân.

Nguyên nhân là vì một số cán bộ, công nhân và xã viên các hợp tác xã thủ công nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm, chỉ chạy theo số lượng, làm ẩu, làm dối!

Đề nghị Bộ Công nghiệp nhẹ và các hợp tác xã thủ công nghiệp cần phải có biện pháp sửa chữa những khuyết điểm đó. Phải giáo dục cán bộ, công nhân và xã viên nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân. Phải thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật: làm hỏng thì phải làm lại. Phải có chế độ: mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình.

Anh em công nhân và xã viên cần phải làm đúng khẩu hiệu sản xuất “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

T.L.

-----------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3176, ngày 5-12-1962, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.511-512.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.