Muốn cho nhân dân ăn no, thì phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Muốn phát triển tốt nông nghiệp thì phải làm tốt thủy lợi.

Mỗi năm, Nhà nước tiêu hàng chục triệu đồng bạc và nhân dân làm hàng chục triệu ngày công để mở mang thủy lợi. Trước đây, vì chúng ta tổ chức không khéo, cho nên đã lãng phí khá nhiều tiền bạc, công phu và ngày giờ.

Từ vài năm nay, do sáng kiến của quần chúng, nhiều hợp tác xã đã tổ chức những đội chuyên làm thủy lợi. Những đội ấy đã thu được kết quả rất tốt. Vài thí dụ:

- Đội thủy lợi của hợp tác xã Hồng Thái. Khi làm thủy lợi hạng to và hạng vừa, mỗi ngày mỗi dân công thường chỉ làm được hơn 1 thước khối, thì bình quân mỗi đội viên làm được hơn 6 thước. Khi làm thủy lợi nhỏ ở trong xã, năng suất của đội viên cũng nhiều gấp 3 của xã viên thường. Năm ngoái đội thủy lợi đã tiết kiệm cho hợp tác xã hơn 9.000 ngày công.

Trước kia vì thường bị hạn hán, nếu được mùa, hợp tác xã Hồng Thái cũng chỉ thu được 800 tấn thóc. Vì vậy không năm nào làm nổi nghĩa vụ bán thóc cho Nhà nước.

Từ ngày có đội thủy lợi chuyên việc chống hạn, năm 1962 diện tích trồng trọt đã tăng lên và đã thu được hơn 1.370 tấn lương thực. Ngoài ra còn mở thêm nghề phụ như nuôi cá (đã bán được 34.000 đồng), trồng được 55.000 cây xoan trên bờ mương, v.v..

- Đội thủy lợi của hợp tác xã Song Động[1]. Đợt đi làm ở công trường Bắc - Hưng - Hải đáng lẽ phải điều động 40 người, nhưng chỉ 24 đội viên đã làm xong nhiệm vụ trước thời hạn; 35 đội viên đã hoàn thành nhiệm vụ làm thủy lợi thay cho 187 xã viên ở nhà để tăng gia sản xuất cho hợp tác xã.

Khi làm xong nhiệm vụ thủy lợi, các đội viên lại tham gia sản xuất. Có những đội viên đã làm được 145 ngày công.

Như thế là có đội chuyên trách, thì thủy lợi làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Rõ ràng là vừa lợi cho Nhà nước, vừa lợi cho hợp tác xã, lợi cho các xã viên và lợi cho các đội viên.

Tính đến giữa tháng 11 năm nay, miền Bắc đã có hơn 3.000 đội thủy lợi. Có những tỉnh khá như: Hải Dương, Nam Định, Hà Đông, v.v.. Những tỉnh đang còn kém là: Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Bắc, v.v.. Trong mọi việc khác, Quảng Bình đều khá, nhưng việc tổ chức đội thủy lợi thì hiện nay Quảng Bình lại kém nhất.

Trong những tỉnh khá vẫn còn những huyện kém như: huyện Nam Sách ở Hải Dương, huyện Mỹ Đức ở Hà Đông, mỗi huyện mới có 2 đội thủy lợi.

Toàn miền Bắc có 3 vạn hợp tác xã nông nghiệp mà hiện nay mới có 3.000 hợp tác xã có đội thủy lợi. Vì lẽ gì mà các hợp tác xã kia chưa tổ chức đội thủy lợi? Các cấp ủy đảng phải trả lời câu hỏi đó.

Để thực hiện tốt phong trào làm thủy lợi trong 2 năm tới, các hợp tác xã cần thi đua với Hồng Thái và Song Động. Các cấp ủy đảng phải phụ trách tổ chức và đẩy mạnh cuộc thi đua ấy. Các chi đoàn thanh niên phải xung phong làm đầu tàu trong cuộc thi đua.

Đêm trăng đưa nước tưới đồng,

Một tấc nước bạc là trăm bông lúa vàng.

Đội thủy lợi phải sẵn sàng,

Thủy lợi càng tốt, dân càng ấm no.

T.L.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 3529, ngày 26-11-1963, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.211-213.


[1]. Hợp tác xã Song Động thuộc tỉnh Hải Dương (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.