Bản tuyên ngôn 9 nước họp Hội nghị Giơnevơ, khoản 3, nói: “… Cần phải thi hành những biện pháp để cho mọi người công dân ở Cao Miên và Lào tham gia vào khối cộng đồng quốc gia chung, nhất là tham gia vào những cuộc tổng tuyển cử tiến hành trong năm 1955 theo lối bí mật và tôn trọng những tự do dân chủ căn bản…”.

Cũng tại Hội nghị Giơnevơ, đại biểu Chính phủ nhà vua Lào trịnh trọng cam kết rằng: “… Để đảm bảo sự hòa thuận và nhất trí của nhân dân vương quốc Lào, Chính phủ nhà vua Lào nguyện thi hành mọi biện pháp thích hợp để mọi người công dân tham gia vào khối cộng đồng quốc gia chung và đảm bảo mọi quyền lợi và tự do của công dân Lào…

… Mọi người công dân đều có quyền tự do tuyển cử và ứng cử…”.

Những lời tuyên bố ấy được thi hành nghiêm chỉnh và triệt để sẽ làm cho nhân dân Lào thực hiện đầy đủ các quyền dân tộc của mình. Độc lập, hòa bình của Lào sẽ được củng cố, dân chủ sẽ được thực hiện, thống nhất sẽ được hoàn thành. Nhưng tiếc rằng Chính phủ nhà vua Lào đã không làm đúng như vậy. Theo Đài phát thanh Viêng Chăn ngày 25 và 26-5-1955, Chính phủ nhà vua Lào đã tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 28-8-1955 (theo các hãng thông tin nước ngoài ngày 2-6-1955 thì hoãn tới 25-12-1955). 4 đảng sẽ ra ứng cử là các đảng: Cấp tiến, Liên hợp quốc gia, Độc lập và Dân chủ. Mọi người đều rõ 4 đảng này đang chia nhau quyền hành trong vùng Chính phủ nhà vua Lào kiểm soát. Cuộc tuyển cử tiến hành trong khi chưa thực hiện được sự thống nhất tất cả những người công dân Lào trong khối cộng đồng quốc gia chung là một sự vi phạm nghiêm trọng các điều đã cam kết ở Hội nghị Giơnevơ. Làm ngược lại bản tuyên ngôn 9 nước và tự mình chống lại lời cam kết của mình, Chính phủ nhà vua Lào sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tai hại đối với tương lai của nước Lào, của nhân dân Lào. Việc tổng tuyển cử tiến hành phiến diện không có sự tham gia của tất cả mọi người công dân Lào sẽ cản trở lớn đến sự thực hiện thống nhất ở Lào, điều mà toàn thể nhân dân Lào đều thiết tha mong muốn.

Việc Chính phủ nhà vua Lào quyết định tiến hành tổng tuyển cử một cách phiến diện, hấp tấp khiến cho người ta thấy thêm rõ tại sao Chính phủ nhà vua Lào cố tình làm cho hội nghị hiệp thương chính trị ở Lào bị đứt năm lần bảy lượt và hiện nay vẫn chưa họp lại; người ta thấy thêm rõ tại sao Chính phủ nhà vua Lào lại đem quân xâm nhập trái phép hai tỉnh Phongxalì và Sầmnưa đã được quy định là hai tỉnh tập kết và thuộc quyền quản lý của các lực lượng Pathét Lào. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 3-3-1955, phái đoàn của Chính phủ nhà vua Lào ở Băng Đung về tuyên bố không nghiêm chỉnh rằng Pathét Lào “chẳng khác gì một nhóm phiến loạn”(!). Lời tuyên bố ấy đi với những hành động quân sự trái phép, với kế hoạch tổng tuyển cử phiến diện đã phơi bày rõ ràng ý định gạt các lực lượng Pathét Lào ra khỏi khối cộng đồng quốc gia và mưu tiêu diệt các lực lượng Pathét Lào bằng quân sự và chính trị. Đó là kế hoạch cực kỳ thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng. Đế quốc Mỹ muốn thực hiện được âm mưu thôn tính nước Lào, biến Lào thành thuộc địa và căn cứ quân sự Mỹ, biến nhân dân Lào thành nô lệ Mỹ thì việc đầu tiên của chúng làm là cố tiêu diệt tinh hoa của nhân dân Lào do các lực lượng Pathét Lào tiêu biểu. Cuồng vọng đó nhất định không thể nào thực hiện nổi. Lực lượng Pathét Lào được nhân dân Lào ủng hộ đã tỏ rõ trong 8, 9 năm kháng chiến.

Dã tâm của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng đang vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của nhân dân Lào. Ngày 26-5-1955, nhiều nghị sĩ trong Quốc hội của nhà vua Lào cũng đứng lên chất vấn Chính phủ Kàtày về những cuộc đàm phán với các lực lượng Pathét Lào. Việc đó chứng tỏ ngay trong nhiều giới chính trị ở gần nhà vua Lào càng ngày càng có nhiều người không tán thành chính sách theo Mỹ, chỉ có hại cho hòa bình, độc lập dân chủ, thống nhất của nước Lào và nhân dân Lào.

Nhân dân Lào ở khắp nơi đang kiên quyết đấu tranh đòi phải chấm dứt các hành động vũ trang do đế quốc Mỹ xui giục gây nên ở hai tỉnh Phongxalì và Sầmnưa, đòi phải mở lại ngay hội nghị hiệp thương chính trị để hai bên cùng nhau thành thật bàn bạc các vấn đề có quan hệ đến sự sống còn của nhân dân Lào, trong đó có vấn đề tổng tuyển cử. Yêu sách chính đáng của nhân dân Lào được nhân dân các nước ở Đông Dương chân thành ủng hộ vì nó đảm bảo thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, giữ vững hòa bình ở Lào, có lợi cho việc củng cố hòa bình chung ở toàn Đông Dương và Đông Nam Á.

T.L.

------

Báo Nhân Dân, số 457, ngày 3-6-1955, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.