Đã lâu trời không mưa. Dân thiếu nước làm ruộng. Cách chống hạn tốt nhất là đào giếng, đào mương. Rồi chịu khó gánh nước, để tưới cho ruộng nương.

Nhưng có người không tin vào sức mình, cho rằng đào giếng gánh nước tưới cho cả cánh đồng, thì không thấm tháp. Có người thì chờ trời khấn Phật, mong trời Phật ban mưa cho!

Nếu ruộng không được tưới kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch tăng gia sản xuất nông nghiệp. Cho nên, ngay lập tức, các nông hội, chính quyền và chi bộ xã cần phải giải thích, động viên, tổ chức và khuyến khích nông dân thi đua đào giếng đào mương, lấy nước chống hạn. Cán bộ huyện và tỉnh cần phải đôn đốc đào giếng.

Quyết tâm thì nhất định làm được. Một thí dụ:

Vì cán bộ khéo lãnh đạo, chỉ trong 6 ngày rưỡi, đồng bào xã Tân Dân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc đã đào được một cái mương dài 800 thước tây, 6 cái giếng mới và vét được 2 giếng cũ, đã gánh và tát nước tưới được 1.597 mẫu lúa.

Các tổ đổi công - nhất là thanh niên - đã làm gương mẫu. Trong thi đua tăng gia sản xuất, công việc gì cũng có những người xuất sắc. Như hai mẹ con bà Nguyễn Thị Nguyên, trong một ngày đã gánh được 200 gánh nước tưới ruộng và trồng thêm được một sào rưỡi khoai.

Thế là xã Tân Dân đã thắng trời.

Xã Tân Dân làm thành công, thì các nơi khác nhất định cũng làm được.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 671, ngày 3-1-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.237-238.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.