Ngày 17 tháng 1 năm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở bốn thủy thủ trẻ tuổi Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bốn người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ có lương đủ cho hai ngày và hai mươi kilô khoai. Bốn người lênh đênh xiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giầy ủng mà ăn. Ăn hết giầy, họ phải ăn cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ hứng nước mưa và mỗi người mỗi ngày chỉ được uống nửa cốc (Để mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống).

Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hùng ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (khi chiếc đàn hãy còn) để khuyến khích lẫn nhau.

Cuối ngày thứ bốn mươi chín, thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.

Đó là tiêu biểu tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

*

* *

Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở các thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ: Cách đây không lâu, tên E. Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng nó đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng "không may" ba người đã chạy thoát.

Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D. Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoócnia, đã giết chết năm người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt, nó thản nhiên nói: "Tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn".

Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau!

T.L.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 2203, ngày 30-3-1960, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.540-541.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.