Đảng Cộng sản Trung Quốc có gần 11 triệu đảng viên, hàng chục vạn chi bộ. Đoàn Thanh niên cộng sản có 24 triệu đoàn viên.

Ở xí nghiệp và nông thôn, bộ đội và trường học, khu phố và cơ quan, chi bộ biến chính sách và quyết tâm của Đảng cùng Chính phủ thành chính sách và quyết tâm của toàn dân. Khắp cả nước, chi bộ là nòng cốt, là động lực làm cho các ngành kinh tế và văn hóa tiến bộ nhảy vọt.

Ví dụ: ở nhà máy Trùng Khánh, đảng viên chiếm 17% tổng số công nhân, chi bộ đã đẩy mạnh thi đua năm việc: lãnh đạo và công tác chính trị, liên hệ với quần chúng, tăng gia sản xuất và học tập đều đặn.

Để thi đua tốt, chi bộ nhấn mạnh việc lãnh đạo tư tưởng và cải tiến cách lãnh đạo.

Các đồng chí lãnh đạo chi bộ, công đoàn và hành chính cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với anh em công nhân. Ít nhất, mỗi ngày phải tham gia sản xuất nửa ngày. Như vậy, chi bộ tập trung được trí tuệ và kinh nghiệm của quần chúng để lãnh đạo tốt quần chúng, trong công việc tìm ra được nhiều biện pháp, thực hiện nhanh, kết quả tốt.

Đảng viên phải làm gương mẫu đoàn kết quần chúng, đẩy mạnh thi đua. Như trong tháng 5-1958, công nhân xí nghiệp đề ra 741 điều cải tiến kỹ thuật, thì 310 điều là do đảng viên đề ra. Có những đề nghị đã tăng năng suất gấp 1.000 lần.

Chi bộ còn tổ chức những đội đột kích để giúp anh em công nhân ngoài Đảng nâng cao năng suất. Mỗi đảng viên phải học tập chính trị, văn hóa và kỹ thuật, đồng thời phải kết bạn thân thiết với mấy công nhân và giúp cho bạn tiến bộ. Do chi bộ lãnh đạo thiết thực và chặt chẽ, mà phong trào thi đua ngày càng phát triển và củng cố.

*

*    *

Bây giờ, tôi xin nêu một chi bộ ở nông thôn có hơi đặc biệt để các đồng chí tham khảo: chi bộ của hợp tác xã nông nghiệp Ô Đình (tỉnh Sơn Tây):

Hai năm trước đây, các xã viên làm ăn uể oải, không tôn trọng của công, để chết hơn 80 con bò, hư hỏng 130 nông cụ. Trong 385 hộ thì hơn 200 hộ kêu thiếu lương ăn. Văn hóa và vệ sinh rất kém. Nói tóm lại tình trạng hợp tác xã rất tiêu điều.

Từ ngày bắt đầu chỉnh phong, chi ủy nhận rõ phải chuyển, mà trước hết là phải chuyển tư tưởng chính trị. Bước đầu, chi bộ tổ chức:

- Một trường học của Đảng, mỗi tháng lên lớp ba tối. Dạy đường lối và chính sách của Đảng, A, B, C chủ nghĩa Mác - Lênin, nhiệm vụ của đảng viên, đạo đức cộng sản.

- Một trường Đoàn do Đoàn Thanh niên lập. Dạy điều lệ và cương lĩnh của Đoàn, thái độ lao động, đạo đức cách mạng.

- Một trường học chính trị của dân. Dạy quan hệ đúng đắn giữa cá nhân và tập thể, đức tính cần kiệm, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chi bộ định mỗi tháng có một ngày của Đảng, một ngày của Đoàn, một ngày của dân để kết hợp giáo dục với đời sống thực tế, mở rộng phê bình và tự phê bình, nâng cao tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc, giải quyết những vấn đề cụ thể trong đời sống hàng ngày.

Chi bộ tổ chức:

- Một câu lạc bộ với những thứ giải trí lành mạnh, những buổi nói chuyện và thảo luận các vấn đề có quan hệ đến nhân dân.

- Một phòng triển lãm các thứ tuyên truyền.

Các đồng chí Ô Đình gọi là chế độ “ba trường, ba ngày, một bộ, một phòng”.

Hoạt động của chế độ ấy kết hợp chặt chẽ với nhau thành một lực lượng mạnh mẽ tấn công vào tư tưởng tư sản. Khi làm, khi học, khi nghỉ, khi chơi, người ta luôn luôn trông thấy hình ảnh của chủ nghĩa xã hội. Ví dụ: để chống lãng phí:

- Ba trường thì giảng giải ý nghĩa, nâng cao tư tưởng xã hội chủ nghĩa của đảng viên, đoàn viên và xã viên.

- Ba ngày thì đưa sự thực lãng phí cho quần chúng thảo luận rộng rãi, phê bình sâu sắc những người đã lãng phí, khen ngợi đúng mức những người đã tiết kiệm.

- Câu lạc bộ thì đặt nhiều bài vè và câu hát về lãng phí và tiết kiệm, đầu làng cuối xóm đều hát, đều nghe.

- Phòng triển lãm thì trưng bày những bức vẽ, con số ai đã lãng phí, lãng phí cái gì, lãng phí đã có hại cho hợp tác xã, cho mỗi một xã viên thế nào.

Kết quả đã gây thành một phong trào sôi nổi chống lãng phí, quần chúng tự động đề nghị nhiều cách hợp lý hóa, và yêu cầu tăng cường chế độ phụ trách.

Lại như vấn đề tiết kiệm lương thực. Có một số ít xã viên nói: “Ai có nhiều gạo thì ăn nhiều. Đó là việc riêng của cá nhân, không can gì đến Nhà nước”.

Ba trường thì phê bình tư tưởng sai lầm ấy, nêu rõ tiết kiệm hay là không tiết kiệm lương thực rất quan hệ đến vấn đề xây dựng hay là không xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ba ngày thì đưa sự thật của những người đã tiết kiệm và những người không tiết kiệm để quần chúng thảo luận; làm cho mọi người thấy rõ lãng phí lương thực có hại cho Nhà nước, cho hợp tác xã và cho bản thân xã viên ấy.

Câu lạc bộ thì tổ chức những buổi nói chuyện. Các cụ lão so sánh đời sống cực khổ trước kia với đời sống tiến bộ hiện nay, nhắc lại đời sống A và B ngày trước phải đi ở cho địa chủ, đói rách nhục nhã thế nào; nay được chia ruộng, có vợ, có nhà, làm ăn khá giả, vì sao không chịu tiết kiệm? Trước những cuộc phê bình như vậy, A và B đã thấm thía, cảm động, và quyết tâm sửa chữa.

Phòng triển lãm thì trưng bày những kinh nghiệm và kết quả tốt của các xã viên đã thực hành tiết kiệm.

Nhờ sự giáo dục liên tục ấy, mà nửa năm năm 1957, bình quân mỗi người đã tiết kiệm được 33 kilô lương thực.

*

*    *

Khi bước vào thực hiện chế độ “ba trường, ba ngày, một bộ, một phòng”, chi bộ phải vượt nhiều khó khăn. Trước hết là thiếu người phụ trách. Cán bộ người thì bận việc này, người thì bận việc khác, mà việc nào cũng là “trọng tâm”. Nông dân thì chưa quen đi học, người thì đến muộn, người thì về sớm, làm cho lớp học kém trật tự. Và còn nhiều khó khăn khác.

Sở dĩ không khắc phục được khó khăn ấy, là vì tư tưởng của đảng viên và đoàn viên chưa thông, họ chưa có quyết tâm thực hiện chế độ ấy.

Để chuyển biến tình trạng đó, chi ủy nêu ra cho toàn thể đảng viên và đoàn viên thảo luận hai vấn đề:

- Không đẩy mạnh công tác tư tưởng chính trị, có được không?

- Vì sao cần phải học tập?

Đồng thời làm cho mọi người thấm thía những kinh nghiệm đau xót của năm ngoái: vì không chú trọng công tác chính trị mà mọi người đã uể oải và tiêu cực, mùa màng đã sút kém, hợp tác xã đã gần tan...

Toàn thể đồng chí ý kiến đã nhất trí, đều quyết tâm vượt khó khăn, để thực hiện đầy đủ kế hoạch công tác chính trị của chi bộ.

Chi ủy phân công rành mạch cho mỗi đảng viên và đoàn viên; sắp xếp công việc một cách hợp lý, để cán bộ và nhân dân có thời gian học tập, thời gian làm việc.

Từ đó, chế độ “3 - 3 - 1 - 1” được thực hiện đầy đủ. Mọi người đi học, đi họp đều đặn. Ai cũng phấn khởi. Những đảng viên và đoàn viên trước kia lạc hậu, nay đều tích cực. 94% xã viên đều ra sức thi đua. Mùa này bị hạn, nhưng thu hoạch vẫn hơn mọi năm. Cả xã đã xóa xong nạn mù chữ và diệt hết bốn thứ có hại (ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ). Nhà cửa, vườn tược, đường sá đều sạch sẽ, gọn gàng. Khắp trong xã, nhà nào cũng thóc đầy bồ, ngô đầy cót; và chỗ nào cũng có cây tốt, hoa tươi...

Từ một xã rất lạc hậu, nhờ chi bộ lãnh đạo tốt mà Ô Đình đã trở nên một xã tiến bộ nhảy vọt về mọi mặt.

TRẦN LỰC

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 1622, ngày 21-8-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.