Nói về hợp tác xã nông nghiệp, Thái Nguyên là một trong những tỉnh khá. Nhưng Võ Nhai là một huyện kém nhất ở Thái Nguyên: lúc đầu 85% nông hộ vào hợp tác xã, về sau tụt xuống 24%. Vì sao[1]?

Chi bộ xã Hòa Bình đã thật thà trả lời câu hỏi đó.

Năm 1960, ở xã Hòa Bình, 80% nông dân đã vào hợp tác xã. Nhưng cuối năm 1963, thì chỉ còn lại non 40% số xã viên!

Nhờ Khu ủy Việt Bắc và Tỉnh ủy Thái Nguyên kiên trì giúp đỡ, chi bộ Hòa Bình đã thật thà tự phê bình và thấy rõ mình đã phạm những khuyết điểm sau đây:

- Trong chi bộ từ bí thư, thường vụ cho đến đảng viên không đoàn kết nhất trí.

- Cán bộ và đảng viên không gương mẫu. Thậm chí có cán bộ và đảng viên xin ra hợp tác xã.

- Ba năm liền, lãnh đạo không dân chủ, tài chính không công khai. Mức sản xuất không tăng thêm. Đời sống của xã viên không cải thiện. Vì vậy mà xã viên thắc mắc, không đoàn kết, không phấn khởi làm ăn và xin ra hợp tác xã.

Khi tất cả cán bộ và đảng viên đã sâu sắc nhận thấy sai lầm của mình, mọi người đều hối hận và quyết tâm sửa chữa. Thay mặt cho chi bộ, đồng chí bí thư đã thành khẩn nói: "Để cho hợp tác xã sút kém như vậy, là chi bộ ta đã có tội lớn đối với Đảng, với nhân dân! Mà người có tội lớn nhất là tôi, bí thư chi bộ...".

Cái balô cá nhân chủ nghĩa đã quẳng được rồi, tinh thần trách nhiệm đã được phổ biến, toàn thể đảng viên đồng tâm nhất trí, ra sức củng cố và phát triển hợp tác xã. Chi bộ khai hội với nhân dân, thật thà tự phê bình trước quần chúng. Rồi gợi ý cho bà con tự do bàn bạc về hai con đường phát triển nông thôn, đường tư bản chủ nghĩa và đường xã hội chủ nghĩa.

Bà con nông dân chẳng những hoan nghênh thái độ chân thành của cán bộ và đảng viên mà còn thật thà nói ra những khuyết điểm của bản thân họ, và tố cáo những người xấu đã xúi giục họ đi vào con đường sai lầm.

Từ đó, mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, phấn khởi lao động, mọi việc đều đổi mới như hoa nở mùa xuân. Chi bộ được củng cố và phát triển, đã kết nạp thêm 4 đảng viên mới và chuẩn bị kết nạp 8 đảng viên nữa, lựa chọn trong những thanh niên xuất sắc nhất. Đảng viên đều đăng ký thi đua "Bốn tốt".

Năm hợp tác xã đã được củng cố và phát triển thêm một hợp tác xã mới. Số xã viên từ 40% lên gần 90%.

Sản lượng cũng tăng nhiều. Vụ mùa vừa rồi bình quân mỗi mẫu vượt mức kế hoạch 50 cân, hơn vụ mùa năm ngoái 130 cân.

Các xã viên hăng hái làm thủy lợi, trữ phân bón, nung vôi để cải tạo đất, v.v. quyết tâm giành một vụ chiêm thắng lợi.

Chi bộ đã ra sức xây dựng dân quân. Hiện nay cả xã đã có ba trung đội vững mạnh, đều do các đồng chí chi ủy làm chính trị viên.

Việc trên đây chứng tỏ rằng hợp tác xã kém vì chi bộ kém. Chi bộ khá thì hợp tác xã khá. Chi bộ Hòa Bình đã thu được những kết quả bước đầu tốt đẹp và đáng khen. Cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa để giành thắng lợi to hơn nữa. Các đảng bộ xã Liên Minh, Dân Tiến, Phú Thượng, Sáng Mộc cũng khá.

Trong thời kỳ cách mạng và những năm kháng chiến đánh Tây, đồng bào Võ Nhai đã rất dũng cảm. Ngày nay chúng ta đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ủng hộ đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ, đồng bào Võ Nhai cần phải góp phần xứng đáng vào công cuộc vẻ vang đó. Các chi bộ và các hợp tác xã khác ở Võ Nhai cần phải học tập và thi đua với chi bộ và hợp tác xã Hòa Bình. Phải làm cho Võ Nhai từ một huyện kém trở nên một huyện tốt.

Võ Nhai, cố gắng vươn lên!

T.L.

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 3900, ngày 4-12-1964, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.423-425.


[1]. Xem báo Nhân Dân, ngày 20-11-1964 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.