Nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương mẫu thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt. Sau đây là vài thí dụ:

- Hợp tác xã thôn Nhân Lệ (Kiến An) có khoảng 100 gia đình. Đất ruộng có ít, nghề phụ chưa có. Mùa vừa qua lại bị thiên tai, thu hoạch kém mà hoa màu cũng ít.

Tuy vậy, đồng bào Nhân Lệ đã làm rất gọn và tốt chính sách lương thực.

Trước hết do đảng viên xung phong, rồi do thanh niên và dân quân làm nòng cốt động viên nhân dân học tập chính sách của Đảng về việc bán thóc cho Nhà nước.

Lúc đầu tuy có khó khăn nhưng khi tư tưởng đã thông suốt thì các cụ phụ lão cũng đều hăng hái kêu gọi con cháu xung phong. Có những hộ neo đơn, được miễn không phải bán thóc, nhưng họ vẫn cứ xung phong bán.

Tinh thần hăng hái lôi cuốn nhân dân cả thôn, cho nên vừa thu hoạch xong thì Nhân Lệ đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ: nộp hơn 8 tấn thóc thuế và bán cho Nhà nước gần 12 tấn thóc theo nghĩa vụ. Ngoài ra, bà con còn dành dụm bán thêm cho Nhà nước hơn 2 tấn thóc tiết kiệm.

Hiện nay, Ban quản trị hợp tác xã Nhân Lệ đang khuyến khích các xã viên lập “hũ gạo tiết kiệm”, và ra sức thi đua giành vụ Đông Xuân thắng lợi[1].

- Hợp tác xã Quyết Tiến ở thôn Bùi (Hà Nam), thiếu sức lao động, vì nhiều chị em phụ nữ đều bận nuôi con, không đi làm được. Vì vậy mà thu nhập của các gia đình xã viên kém đi. Chi bộ quyết định xây dựng một nhà gửi trẻ. Các đảng viên và đoàn viên thanh niên xung phong gánh đất, làm nhà. Một ngôi nhà 5 gian xinh xắn được dựng lên. Chi bộ quyết định: trước tiên hãy nhận con các gia đình neo đơn. Nhưng các bà mẹ còn nghi ngờ không đưa các cháu đến gửi. Họ nói: “Nếu béo bở thì mời các ông cán bộ và đảng viên mang con đến gửi trước!”.

Theo chỉ thị của chi bộ, các đảng viên đưa con mình đến gửi. Thấy các cháu này được săn sóc tốt, các bà mẹ trước kia chần chừ, nay đều mang con đến gửi. Thành thử không đủ chỗ cho tất cả các cháu. Chi bộ lại quyết định: Cán bộ và đảng viên đưa con mình về, để nhường chỗ cho những cháu các gia đình neo đơn.

Trong những ngày đầu, các cháu thì đông mà các cô giữ trẻ thì chưa đủ, sau buổi lao động các đồng chí đảng viên đều đến nhà gửi trẻ tắm rửa và săn sóc các cháu.

Hiện nay, nhà gửi trẻ này đã có hơn 100 cháu từ 3 tháng đến 4 tuổi, do 6 cô đoàn viên thanh niên săn sóc rất chu đáo.

Nhờ có nhà gửi trẻ này mà chị em phụ nữ thôn Bùi được giải phóng và hăng hái tham gia lao động sản xuất [2].

Nội dung hai việc trên đây rất bình thường, nhưng nó chứng tỏ một ý nghĩa rất to lớn: Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt.

T.L.

-------------------

[1] Trích báo Kiến An, ngày 23-3-1962 (T.G).

[2] Trích báo Nhân Dân, ngày 21-3-1962 (T.G).

- Báo Nhân Dân, số 2926, ngày 28-3-1962, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.363-364.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.