CHI BỘ TỐT

Trí Yên (Hà Bắc) có hơn 3.000 dân, là một xã ở ngoài đê. Năm nào không bị lụt thì cũng bị hạn. Nhân dân sống bữa đói, bữa no. Thường năm phải nhờ Nhà nước cứu tế. Như năm 1959, Nhà nước đã giúp hơn 100 tấn gạo để cứu đói.

Nhưng từ năm 1961 tình hình đã thay đổi hẳn. 13 hợp tác xã nhỏ đã hợp lại thành 3 hợp tác xã to, gồm có 97% nông hộ. Các xã viên đều hăng hái làm phân bón, làm thủy lợi, chống thiên tai, tăng diện tích trồng trọt, cải tiến kỹ thuật canh tác... Kết quả là sản lượng ngày càng tăng, đời sống của xã viên được cải thiện. Chẳng những không phải nhờ Nhà nước cứu đói, mà còn thóc để bán cho Nhà nước, mỗi năm một nhiều:

Năm 1961 đã bán 228 tấn.

Năm 1962 đã bán 357 tấn.

Năm nay có thể bán nhiều hơn nữa (vụ chiêm đã bán hơn 200 tấn).

Từ chỗ không có gì, các hợp tác xã ở Trí Yên đã bước đầu xây dựng cơ đồ vững chắc. Hiện nay đã có: 3 máy bơm nước, 9 guồng nước chạy bằng sức gió, 22 sân phơi, 24 nhà kho, v.v.. Các công việc khác như tiết kiệm, giao thông, vệ sinh, văn hóa, dân quân, v.v. đều tiến bộ hơn trước nhiều.

Có kết quả như vậy là do chi bộ tốt.

Xã Trí Yên có 3 chi bộ, 121 đảng viên. Mỗi chi bộ phụ trách một hợp tác xã. Có 82 đảng viên trực tiếp lãnh đạo sản xuất (như làm chủ nhiệm, ủy viên quản trị, trưởng và phó đội sản xuất...).

Nhân đây xin giới thiệu một trong những đảng viên gương mẫu. Đồng chí Nguyễn Quốc Phái là một thương binh mù cả hai mắt, nhưng vẫn hăng hái tham gia mọi công việc của chi bộ và của hợp tác xã, rất được nhân dân mến yêu.

CHI BỘ KÉM[2]

Xã Đại Tân (cũng ở Hà Bắc) bắt đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ năm 1959. Hồi đó, do chi bộ hoạt động khá cho nên đến năm 1960 đã có 96% nông hộ vào hợp tác xã. Nhưng hiện nay thì chỉ còn 59% nông hộ ở lại hợp tác xã, tức là đã giảm sút 37%! Vì sao?

Bởi vì chi bộ kém. Nhiều cán bộ và đảng viên chẳng những không nêu gương tốt mà còn nêu gương xấu. Ví dụ:

Hơn 30 đảng viên và cán bộ (có cả bí thư, phó bí thư và chi ủy viên) xin ra hợp tác xã. Một số đảng viên chỉ lo cấy ruộng riêng. Trong lúc mùa màng khẩn trương, có đồng chí bí thư chi bộ đã đi chở hàng kiếm tiền riêng. Thậm chí có đảng viên dùng tiền hợp tác xã đi buôn bán, v.v..

Cán bộ và đảng viên như vậy tất nhiên gây ảnh hưởng xấu cho hợp tác xã. Hiện nay các hợp tác xã không có kế hoạch sản xuất. Các ban quản trị rất lúng túng. Tài chính không phân minh, có ban quản trị đã ba năm không báo cáo việc chi tiêu của hợp tác xã cho xã viên biết, v.v..

Nói tóm lại: Vì chi bộ kém mà một số cán bộ và đảng viên đã làm sai chính sách của Đảng và của Nhà nước, đã phạm đến lợi ích của các xã viên, đã làm cho hợp tác xã thoái bộ.

Không thể để tình trạng ấy kéo dài. Cấp ủy tỉnh và huyện cần phải giúp Đại Tân chỉnh đốn lại chi bộ. Cán bộ và đảng viên Đại Tân cần phải có quyết tâm sửa chữa sai lầm, học tập và thi đua với Trí Yên để trở thành chi bộ tốt.

T.L.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 3545, ngày 12-12-1963, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.214-216.


[1]. Báo Nhân Dân đăng dưới hai đề mục: Chi bộ tốt Chi bộ kém (BT).

[2]. Xem báo Nhân Dân, ngày 8-12-1963 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.