Chị Đường Văn Tất năm nay 32 tuổi, là anh hùng lao động và giám đốc một nhà máy dệt lụa ở Bình Nhưỡng.

Là con một nhà công nhân nghèo xác, nghèo xơ, khi 9 tuổi chị đã phải lao động. Năm chị 11 tuổi, ông bố thất nghiệp. Hai bố con dắt nhau sang miền Bắc Trung Quốc tìm việc làm ăn. Chị được làm ở một hầm than; mỗi ngày chọn than suốt 13 giờ, và được một số tiền lương "ăn không no, đói không chết".

Năm 1945, Tổ quốc Triều Tiên được giải phóng. Chị cùng bố trở về quê hương. Mười sáu tuổi mới thoát nạn mù chữ, chị theo học lớp bổ túc văn hóa ban đêm, đến cấp trung học. Sau khi được vào ở nhà máy dệt một năm, nhờ Đảng bồi dưỡng và tự mình cố gắng, chị được bầu làm công nhân gương mẫu. Trong phong trào thi đua yêu nước (1947), chị đã có sáng kiến tăng năng suất gấp 3 lần. Nhờ vậy nhà máy đã hoàn thành kế hoạch cả năm trong 3 tháng. Tháng 9 năm ấy, đồng chí Kim Nhật Thành đến thăm nhà máy. Chị Đường được Thủ tướng khen ngợi và khuyến khích, chị càng cố gắng và càng tiến bộ nhiều. Nhà máy đã hoàn thành kế hoạch vượt mức 250%. Năm sau và năm sau nữa đều như vậy.

Năm 1950, đế quốc Mỹ xâm phạm Triều Tiên. Chị Đường thiết tha xin vào bộ đội. Nhưng chi bộ đảng khuyên chị ở lại hậu phương tăng gia sản xuất. Kháng chiến thắng lợi, nhưng nhà máy đã bị giặc Mỹ phá tơi bời. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, chị Đường đưa hết tinh thần và lực lượng của người cộng sản, làm việc không quản ngày đêm để khôi phục lại nhà máy. Bắt đầu sản xuất, chỉ được 27 ngày nhà máy đã hoàn thành kế hoạch cả năm và đã đào tạo thêm 137 công nhân kỹ thuật.

Đầu năm 1952 chị được tặng danh hiệu Anh hùng lao động và được phụ trách một phân xưởng. Ít lâu sau, chị được bầu làm giám đốc nhà máy. Khi nhận nhiệm vụ quản lý một nhà máy to, chị Đường rất lo lắng. Biết vậy, Trung ương đã phái một tổ chỉ đạo (trong đó có những đồng chí đã từng quản lý xí nghiệp to) đến giúp nhà máy. Sau một tháng vừa làm vừa học, chị Đường đã thông thạo mọi nhiệm vụ của người giám đốc và được toàn thể công nhân yêu kính. Ngày nay xưởng dệt lụa ấy là một trong những xí nghiệp tiên tiến, có 73 kíp đã được danh hiệu "Thiên lý mã" và cả xưởng đang hăng hái thi đua để trở nên "xưởng Thiên lý mã".

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Đường chẳng những là một gương mẫu cho công nhân Triều Tiên anh em, mà cũng là một gương mẫu cho công nhân Việt Nam ta nói chung và phụ nữ Việt Nam ta nói riêng.

T.L.

-----------------------

[1] Trích tạp chí Triều Tiên ngày nay (T.G).

Báo Nhân Dân, số 3061, ngày 11-8-1962, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.