MIỀN BẮC ANH HÙNG

- Để chúc mừng Ngày Quốc khánh 2-9, quân và dân miền Bắc ta đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.379 của giặc Mỹ. Nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi, nhân dân ta vui lòng hả dạ. Bọn tư bản độc quyền Mỹ cũng hả dạ vui lòng, vì chúng sẽ bán thêm nhiều máy bay và thu thêm nhiều tiền lãi!

Bị thua to ở miền Nam, giặc Mỹ điên cuồng “leo thang” ra miền Bắc, hòng gỡ thế bí của chúng. Nhưng chúng đã lầm to.

Ngày 5-8-1964, máy bay giặc Mỹ ném bom sông Gianh, Bến Thuỷ, Hòn Gai. Luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, ngay hôm đó quân và dân ta đã bắn tan xác tám chiếc máy bay Mỹ.

Đến ngày 7-2-1965, chúng ném bom Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An. Thì trong ba hôm 7, 8, 11 ta bắn tan xác 22 chiếc máy bay Mỹ.

Từ đó, giặc Mỹ càng ngày “leo thang” càng điên cuồng. Hồi tháng 3-1965, bình quân chúng ném bom mỗi ngày một tốp. Đến tháng 5, mỗi ngày hơn 80 tốp. Sang đầu năm nay, mỗi ngày từ 100 đến 155 tốp (khoảng 500 lượt chiếc).

Chúng đã phạm tội ác tày trời. Dã man tột bậc là chúng đã ném bom, bắn phá nhiều nhà thương, trường học, đê điều. Nhưng chúng cũng đã phải đền tội, 1.379 máy bay đã bị bắn rơi, khá nhiều giặc lái máy bay đã bị chết và bị bắt sống.

Về chiến lược thì giặc Mỹ đã thất bại nhục nhã. Dư luận nước ngoài cũng nhận như vậy. Ví dụ, các báo tư sản Pháp Phigarô (17-8), viết: “Mỹ ném bom nhiều mấy, miền Bắc vẫn không giảm sút quyết tâm”. Báo Thế giới (2-8) viết: “Suốt 18 tháng, Mỹ đã ném bom bừa bãi, nhằm ép miền Bắc nghe lời họ, nhưng Mỹ đã thất bại”. Hãng AFP (5-8) viết: “Những người Mỹ thông thạo cũng nhận rằng dù Mỹ ném bom dữ dội mấy, cũng quyết không làm lung lay được tinh thần chiến đấu của Bắc Việt Nam”.

Quân và dân miền Bắc ta rất anh hùng! Vừa sản xuất cừ, vừa chiến đấu giỏi. Hiện nay những tỉnh “kiện tướng” diệt máy bay Mỹ là:

Hà Tĩnh đã hạ 100 chiếc

Quảng Ninh 112 -

Thanh Hoá 145 -

Nghệ An 210 -

Quảng Bình 228 -

MIỀN NAM DŨNG CẢM - Về việc đánh phá máy bay giặc Mỹ, đồng bào miền Nam vô cùng khôn khéo, dũng cảm tuyệt vời. Từ đầu năm 1962 đến tháng 6 năm 1966, quân và dân miền Nam đã bắn rơi và phá huỷ hơn 4.680 chiếc máy bay giặc Mỹ.

Mấy điểm đặc biệt đáng chú ý là:

- Mỗi năm số máy bay bị tiêu diệt cũng “leo thang”.

Năm 1962 là

200

chiếc

1963

696

-

1964

1.027

-

1965

1.337

-

1966

1.429

- (Chỉ tính sáu tháng đầu năm).

Đồng bào miền Nam vừa tiêu diệt máy bay Mỹ, vừa tiêu diệt nhiều máy nằm Mỹ, nghĩa là tiêu diệt máy bay và những tên lái máy bay khi chúng còn nằm ở các sân bay.

Sân bay của giặc Mỹ được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt. Chung quanh thì có những bãi mìn dày đặc. Rồi đến nhiều hàng rào dây thép gai có điện, xen kẽ những hào sâu có mìn và chông. Những đội lính ngụy và Mỹ cùng những bầy chó ngao đi tuần suốt ngày đêm, v.v.. Tên tư lệnh không quân Mỹ đã khoe khoang rằng các sân bay Mỹ là những nơi “bất khả xâm phạm”, “một con chuột cũng không thể lọt vào”.

Thế mà đồng bào miền Nam anh hùng đã đánh cho chúng tơi bời. Sau đây là những trận đặc biệt táo bạo và thắng lợi vẻ vang:

Tên sân bay

Lần bị đánh

Máy bay bị phá huỷ

Biên Hoà

3

lần

276

chiếc

Sóc Trăng

10

-

226

-

Nước Mặn

3

-

210

-

Chu Lai

3

-

112

-

An Khê

2

-

111

-

Uy thế không quân của giặc Mỹ đã bị quân và dân ta ở hai miền đánh tiêu tan.

GIẶC MỸ LO SỢ

- Máy bay của chúng bị ta bắn rơi và phá huỷ nhiều, ảnh hưởng xấu đến tinh thần quân đội và nhân dân Mỹ. Vì vậy, bè lũ Giônxơn phải nói dối, nói dối một cách “bán trời không giấy”. Ví dụ: Đến ngày 24-8-1966, tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc là 1.366 chiếc; nhưng Mỹ công bố là 343 chiếc, tức là chỉ một phần tư con số thật!

Tuy vậy, chúng không thể giấu hết sự thật và do đó chúng càng lúng túng. Trung tuần tháng 8, thượng nghị sĩ Đớcxơn đã công khai “tỏ ra chán nản”, vì ở Việt Nam máy bay Mỹ bị bắn rơi ngày càng nhiều, và theo lời Bộ trưởng Quốc phòng thì mỗi năm Mỹ sẽ mất 580 máy bay (UPI, 17-8).

Trả lời các nhà báo, tướng giặc Vétmỡlợn[1] phải ấp úng thừa nhận rằng: “Thật là đáng tiếc, trung tuần qua, số máy bay bị mất đã lên cao một cách khác thường” (USIS, 14-8).

Hãng UPI (14-8) thở than rằng: “Tháng trước, cả một đoàn 25 chiếc máy bay F.105 đã bị tiêu diệt ở miền Bắc... Bắc Việt ngày càng tăng cường lực lượng phòng không của họ... Ngày 7-8 là một ngày chủ nhật đen tối - hôm đó máy bay Mỹ bị bắn rơi nhiều nhất...”.

Tạp chí Tin nước Mỹ (22-8) viết: “Những cuộc ném bom không ngăn cản được các lực lượng cộng sản. Họ hình như là mạnh lên chứ không phải là yếu đi”.

Bình quân mỗi ngày quân và dân miền Bắc bắn rơi hơn bốn chiếc máy bay. Khi tự tay bắt một giặc Mỹ lái máy bay nhảy dù xuống đất một ông cụ dân quân già đã làm một câu thơ:

Bay cậy bay nhiều máy bay,

Chúng tao thề đánh chúng mày tan xương!

Cũng có lúc máy bay Mỹ giúp ta đánh giặc Mỹ. Như ngày 26-8 vừa qua, ở gần Phú Lợi, Quân giải phóng miền Nam đang đánh nhau với giặc Mỹ thuộc sư đoàn bộ binh số 1. Bỗng hai chiếc máy bay Mỹ đến giội bom napan... xuống ngay giữa đám lính Mỹ, làm bốn đại đội gồm 500 binh sĩ Mỹ chết và bị thương nặng. Theo các báo phương Tây thì các người quan sát ở Sài Gòn nhận rằng “đó là một trong những thảm kịch tệ hại nhất đối với quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam”.

Với những sự kiện trên đây, chúng ta có thể nói chắc rằng: Mỹ nhất định thua, ta nhất định thắng.

LA LẬP

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 4530, ngày 1-9-1966, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.155-158.

1. Tướng Oétmolen (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.