Đồng bào hy sinh mồ hôi nước mắt, thi đua đóng thuế nông nghiệp, để Chính phủ nuôi bộ đội, diệt giặc Pháp.

Chính phủ và đoàn thể lo lắng đêm ngày, sao cho mỗi cân gạo, mỗi đồng tiền của đồng bào đều đi đến tận tay người chiến sĩ, không hao hụt chút nào.

Các chiến sĩ biết ơn đồng bào, biết công Chính phủ và đoàn thể, nên mọi người hăng hái thi đua diệt giặc lập công.

Nhưng cũng có một số cán bộ không làm tròn nhiệm vụ đối với đồng bào, đối với bộ đội, đối với Chính phủ và đoàn thể. Để sửa chữa điều đó, đoàn thể và Chính phủ đã gây phong trào chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Đồng thời, khen thưởng những cán bộ thật thà cần, kiệm, liêm, chính. Đồng chí Hoàng Cầm là một trong những cán bộ xứng đáng ấy.

Đồng chí Cầm là một tổ trưởng cấp dưỡng, thức khuya dậy sớm, miệng nói tay làm, xung phong mọi việc, vượt mọi khó khăn - Thế là cần.

Đồng chí Cầm không lãng phí một đồng xu, một hạt gạo của đơn vị. Luôn luôn tìm cách với ngần ấy tiền và gạo, làm cho anh em chiến sĩ đầy đủ cơm nóng, canh ngon - Thế là kiệm.

Đồng chí Cầm biết cách giúp đỡ đồng bào địa phương. Có đồng bào biếu quà, đồng chí Cầm nhất định không nhận – Thế là liêm.

Đồng chí Cầm không ngại khó khăn nguy hiểm, thương yêu chiến sĩ, kiên quyết làm tròn nhiệm vụ. Việc gì cũng bàn bạc với anh em trong tổ, rồi xung phong làm kiểu mẫu để động viên anh em, làm cho anh em ai cũng hăng hái và tiến bộ như mình - Thế là chính.

Đồng chí Cầm được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhì và bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Thật là xứng đáng. Điều này chứng tỏ thêm rằng: dưới chế độ dân chủ của nước ta, bất kỳ ai làm việc gì mà cố gắng thi đua vượt mức thì tức là Anh hùng, chiến sĩ, tức là được bộ đội và nhân dân, Chính phủ và đoàn thể yêu mến và quý trọng.

Hồ Chủ tịch thường nói: “Nhiệm vụ của người nấu bếp cũng quan trọng như nhiệm vụ của người chỉ huy, vì “thực túc thì binh cường, cơm no thì thắng giặc””.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 74, ngày 18-9-1952, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.