Quân đội ta là Quân đội nhân dân. Chiến sĩ ta là chiến sĩ anh dũng: Trong kháng chiến thì hăng hái xung phong giết giặc, giữ gìn non sông; trong hòa bình thì kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ nhân dân xây dựng. Dù bận việc luyện tập học hành, bộ đội ta vẫn ra sức giúp đồng bào trong mọi công việc, như cải cách ruộng đất, tăng gia sản xuất, chống bão, chống lụt… Một gương hy sinh anh dũng:

Anh hùng Phạm Minh Đức, 24 tuổi, trong kháng chiến đã lập nhiều công, bốn lần được khen thưởng. Trong trận bão, lụt tháng 9 năm ngoái, đồng chí Đức đã cứu được 16 đồng bào khỏi chết đuối. Lúc gần kiệt sức vẫn cố gắng cứu được hai phụ nữ nữa. Cuối cùng, bị nước cuốn mà hy sinh.

Từ ngày hòa bình trở lại, hơn 5 vạn chiến sĩ được Chính phủ chuyển sang các ngành, hoặc vào cơ quan, hoặc về sản xuất. Bất kỳ ở đâu, các đồng chí ấy đều giữ truyền thống tốt đẹp của người quân nhân cách mạng trong mọi việc đều hăng hái xung phong. Vài thí dụ:

Đồng chí Phùng Văn Chù, xã Đông Khánh (Sơn Tây) đã được bầu là chiến sĩ thi đua nông nghiệp tỉnh.

Nữ đồng chí Nguyễn Thị Ty, về công trường, đã được bầu là chiến sĩ thi đua tỉnh Nghệ An.

Tại nông trường cà-phê, các đồng chí bộ đội chuyển sang sản xuất đã tăng năng suất từ gấp 2 đến gấp 5 lần. Hàng trăm, hàng nghìn đồng chí đã thành người lao động kiểu mẫu. Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng: Bất kỳ lúc nào và phụ trách việc gì, chiến sĩ ta cũng anh dũng.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 796, ngày 9-5-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.