Nước Pháp buổi chiều là một tờ báo phản động. Phóng viên của nó là Bô-da ở Nam Bộ đã 8 năm. Báo ấy luôn luôn ca tụng Mỹ-Diệm. Vì vậy, người ta không thể nghi cho nó cố ý nói xấu Mỹ-Diệm. Sau đây là vài đoạn trích trong 2 số 29, 30 tháng 12-1955 của báo ấy:

“… Chính sách khủng bố tràn lan (giết bí mật, trại tập trung). Các báo chí cũng là công cụ khủng bố: Bộ tuyên truyền của Diệm hằng ngày ra lệnh cho các báo phải đăng những bài hăm doạ, chửi rủa… phê bình Diệm, là bị tù…

Tuy vậy, về căn bản, Diệm đã thất bại, vì nếu dân ở thành phố thì thờ ơ, làm cho qua chuyện; Diệm không nắm được dân ở thôn quê. Diệm cũng như Pháp trong thời kỳ chiến tranh, chỉ nắm được thành thị và các đường giao thông chính mà thôi.

Việt Minh nghèo, nhưng họ cần kiệm. Diệm có tiền Mỹ giúp, mỗi năm độ 300 triệu đô-la; song tiền ấy chỉ ở trong thành phố, trong tham mưu, trong các bộ và trong kẻ đầu cơ. Tiền ấy chỉ dùng để củng cố quyền độc tài chuyên chế.

Nhân dân chưa bao giờ khổ như bây giờ. Giá gạo lên vùn vụt. Diệm tuy thắng trong cuộc “trưng cầu dân ý” giả dối, song Diệm đã hoàn toàn thất bại trong cuộc “trưng cầu dân ý” thật sự - tức là vấn đề gạo. Gạo khan hiếm vì nhiều lẽ: Ruộng vườn và mương đập bị chiến tranh tàn phá, không được sửa chữa; nội chiến lung tung; nhất là vì nông dân không tin tưởng, không chịu bán gạo, không thiết tha cày cấy, sản xuất mùa sau sẽ sụt mất một nửa.

Dân Bắc di cư vào Nam sống rất tạm bợ, cực khổ.

Nạn thất nghiệp tràn lan, tài chính bế tắc: 80% ngân sách của Diệm nhờ vào tiền Mỹ.

Mỹ nắm cả mọi quyền hành: quân sự, kinh tế, văn hóa, tuyên truyền. Lan-sđê-lơ (quan 5 Mỹ) đặt bàn giấy ở ngay trong nhà Diệm. Việc “cải cách điền địa” do tên Lê-đơ-gir-sky (Nga trắng vào quốc tịch Mỹ) chỉ huy. Giám mục Hác-nét (Mỹ) thay mặt giáo chủ Spen-man (Mỹ) hoạt động trong giáo dân.

Diệm phái người anh là giám mục Ngô Đình Thục sang Tòa thánh xin làm tổng giám mục ở Việt Nam. Nhưng Tòa thánh lại phong cho cha Hiền chức ấy. Suốt mấy tuần lễ, Diệm không cho công bố lệnh ấy của Tòa thánh. Vì vậy, nhiều linh mục Việt Nam và cha Hiền phản đối Diệm. Một vị linh mục nói: “Diệm đã gây ra quá nhiều thù oán… Nếu Diệm bị đánh đổ, công giáo không nên bị vạ lây. Cho nên nhà thờ định phải tách rời vận mệnh của công giáo với số phận của Diệm.”

C. B.

---------

Báo Nhân Dân, số 683, ngày 15-1-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.