Nhật Bản ở cạnh Liên Xô to lớn. Quan hệ kinh tế và văn hóa với Liên Xô là rất cần thiết cho Nhật Bản. Nếu quan hệ ấy gián đoạn, thì đời sống của Nhật rất chật vật, khó khăn.

Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt đã 12 năm rồi, và mặc dù Liên Xô luôn luôn sẵn sàng nối lại tình hữu nghị với nhân dân Nhật Bản, nhưng quan hệ bình thường giữa hai nước vẫn chưa được lập lại. Vì sao?

Vì nước Nhật đang bị quân đội Mỹ (một sư đoàn bộ binh và ba sư đoàn không quân) chiếm đóng nhiều nơi. Vì kinh tế và chính trị Nhật bị Mỹ gò bó. Vì Mỹ dùng chính sách chia rẽ để ngăn cản Nhật nối lại quan hệ bình thường với các nước láng giềng xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân.

Do chính sách của Mỹ mà nhân dân Nhật cực khổ, điêu đứng. Một thí dụ: Vì nghèo khổ không nuôi được con, mà chỉ trong một năm 1955, hơn 117 vạn phụ nữ Nhật buộc phải phá thai!

Song nhân dân Nhật không chịu khuất phục, họ đã đấu tranh anh dũng, đòi lập lại quan hệ hòa bình với Liên Xô và các nước láng giềng khác. Kết quả là Mỹ không ngăn trở được nữa, và Chính phủ Nhật phải làm theo ý nguyện của nhân dân. Vừa rồi, sau 7 ngày giao thiệp ở Mô-scu, hai Chính phủ Xô-Nhật đã ký một bản tuyên bố chung, gồm có mấy điều rất quan trọng như:

- Chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản.

- Lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- Giải quyết mọi vấn đề tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, không được dùng cách đe dọa hoặc dùng vũ lực.

Ngoài những điều đó, để tỏ thiện chí với nhân dân Nhật, Liên Xô còn nhận cho Nhật những điều kiện rộng rãi, dễ dàng như: Kéo dài thời hạn cho phép người Nhật đánh cá ở biển Liên Xô; xoá bỏ tất cả những yêu sách bồi thường những thiệt hại đế quốc Nhật đã gây ra cho Liên Xô trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai; trả lại cho Nhật hai cù lao Ha-mô-mai và Si-cô-tan…

Thế là một lần nữa, chính sách hòa bình của Liên Xô lại thắng chính sách chia rẽ của Mỹ.

Sự lập lại quan hệ bình thường giữa Xô và Nhật chẳng những có lợi cho nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho sự nghiệp giữ gìn hòa bình ở châu Á và toàn thế giới. Hiện nay, nhân dân Nhật đang hăng hái đấu tranh đòi lập lại quan hệ bình thường với Trung Quốc và các nước láng giềng khác. Chúng ta thành tâm chúc nhân dân Nhật thành công.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 964, ngày 25-10-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.