Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm - Đó là khẩu hiệu chúng ta phải quyết tâm thực hiện, để không ngừng phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Nhiều đồng bào đã thấm nhuần và thực hiện khẩu hiệu ấy. Song cũng có nơi chưa hiểu thấu và chưa chấp hành. Huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) thuộc về hạng này. Ví dụ: Chỉ trong vài ba tháng đầu năm nay, xã Dương Thành đã mổ 23 con bò và xã Hương Sơn mổ 31 con; đổ đồng mỗi xã mổ 27 con. Bất kỳ hội nghị to hay là nhỏ, hễ có hội nghị là mổ bò.

Hội nghị xóm để học tập bầu hội đồng, cũng mổ bò.

Hội nghị Hội đồng nhân dân cũng mổ bò.

Hội nghị bầu Ủy ban hành chính xã, cũng mổ bò (xã Hương Sơn mổ một lần hai con).

Hội nghị bình dân học vụ cũng mổ bò.

Hội nghị xóm, mổ bò. Hội nghị xã, mổ bò. Hội nghị huyện cũng mổ bò!

Ngược đời hơn nữa là: Hội nghị phụ lão bàn về sản xuất và tiết kiệm, hội nghị liên hoan tổ đổi công và khai mạc hợp tác xã nông nghiệp cũng đều mổ bò! Có hợp tác xã mổ đến hai con!

Phải “Cần kiệm để xây dựng hợp tác xã. Khẩu hiệu này, cán bộ và quần chúng các xã ấy đã quên mất rồi!

Đó là lãng phí rất nghiêm trọng và khá phổ biến trong cả huyện. Và không riêng gì ở huyện Phú Bình, các huyện khác như Việt Yên, Hiệp Hoà... (tỉnh Bắc Giang) cũng có hiện tượng lãng phí như vậy.

Chăn nuôi là một mục quan trọng trong kế hoạch phát triển nông nghiệp. Miền Bắc ta có hơn 5.000 xã, nếu xã nào cũng mắc sai lầm như Dương Thành và Hương Sơn, thì chỉ trong mấy tháng đầu năm, hơn 135.000 con bò bị mổ. Nếu như vậy, thì nông dân sẽ thiếu bò cày!

Ai phải phụ trách việc mổ bò bừa bãi?

Cố nhiên, các cơ quan lãnh đạo địa phương phải phụ trách. Trực tiếp là đảng bộ, Ủy ban hành chính huyện và xã, cán bộ và đảng viên trong các tổ đổi công và hợp tác xã - phải phụ trách.

Các cơ quan và các đồng chí ấy cần phải kiểm thảo sâu sắc, sửa chữa kịp thời; phải lãnh đạo nông dân chống mổ bò bừa bãi, tăng cường việc chăn nuôi và thực hiện khẩu hiệu: Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

T.L.

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1922, ngày 20-6-1959, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.235-236.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.