Chúc mừng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười

Dưới sự chỉ huy của những người bônsêvích, những quả đại bác từ tàu chiến “Rạng đông” bắn ầm ầm vào Cung điện Mùa Đông của Nga hoàng, đã báo hiệu một cuộc biến đổi long trời lở đất.

Nó báo Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Nó báo lần đầu tiên trong lịch sử một chính quyền vô sản đã ra đời. Nó báo chế độ phong kiến tư bản và đế quốc đã bị tiêu diệt trên một phần sáu quả đất. Nó báo xã hội mới của loài người từ nay sẽ thay thế dần cho xã hội cũ.

Ngay hôm Cách mạng Tháng Mười thành công (26-10 lịch Nga cũ, tức là 8-11 dương lịch) 1 , Lênin đã vạch ra những chính sách cách mạng, như:

- Chính sách hòa bình.

- Các xí nghiệp về tay giai cấp công nhân.

- Ruộng đất về tay nông dân lao động.

Nhờ vậy mà nông dân Nga đã được chia 155 triệu mẫu tây ruộng đất, được xóa bỏ những món nợ mắc của địa chủ, và mỗi năm khỏi phải nộp tô cho địa chủ hơn 700 triệu đồng rúp vàng.

_______________

1. Đại hội II các Xôviết khai mạc vào đêm 25-10-1917 và tuyên bố toàn bộ chính quyền đã về tay các Xôviết. Đêm 26, Đại hội đã thông qua các sắc lệnh như Sắc lệnh về hòa bình, Sắc lệnh về ruộng đất, v.v.. ( B.T ). Lần đầu tiên, trên 1 phần 6 quả đất, gần 200 triệu nhân dân đã xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

NHỮNG KHÓ KHĂN LỚN

Với âm mưu lật đổ chính quyền Xôviết non trẻ, bọn phản động trong nước và bọn đế quốc bên ngoài thông đồng với nhau. Quân đội 14 nước đế quốc do Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản dẫn đầu bốn phía đánh vào. Chúng giúp bọn phản động Nga lập chính phủ bù nhìn hầu khắp trong nước 3 phần 4 đất đai bị chúng chiếm cứ. Chúng chiếm hết những vùng công nghiệp sản xuất 100% dầu lửa, 90% than đá, 85% quặng sắt, 75% quặng thép.

Thêm vào nhân họa đó, lại có thiên tai . Vụ hè 1918 và mấy vụ sau liên tiếp mất mùa. Hơn 33 triệu người bị đói nặng. Công nhân và nhân dân thành phố mỗi người mỗi ngày chỉ được một miếng bánh mì 50 gam...

Do đói kém mà bệnh dịch lan rộng ở nhiều nơi.

Bọn phản động và giặc đế quốc đã tàn phá tài sản của Liên Xô trị giá hơn 39 tỉ đồng rúp vàng (riêng đường xe lửa đã bị phá hơn bảy vạn cây số). Vì vậy sau ba năm cách mạng thành công, nền kinh tế vẫn còn kiệt quệ. So với năm 1913 (là năm trước chiến tranh):

Nghề luyện kim chỉ bằng 2%.

Sản lượng các công nghiệp khác 10%. Sản lượng nông nghiệp 65%.

Nghề dầu lửa và bông sợi hoàn toàn bị hư hỏng.

Gần một triệu người bị thất nghiệp.

Năm 1921 mới dẹp tan bọn phản động, năm 1922 thì đuổi sạch quân đội đế quốc xâm lăng.

THỜI KỲ KHÔI PHỤC KINH TẾ

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Bônsêvích, nhân dân Liên Xô đã phấn đấu anh dũng để vượt những khó khăn khủng khiếp ấy, và khôi phục lại kinh tế nước nhà. Đảng đã vạch kế hoạch củng cố thêm quốc phòng; tổ chức việc sản xuất, thống kê, kiểm soát và phân phối các sản phẩm; giáo dục kỷ luật lao động và đẩy mạnh phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa.

Công việc khôi phục kinh tế gặp nhiều khó khăn rất lớn: Thiếu hàng nghìn công xưởng cần thiết. Những máy móc còn lại đều cũ kỹ. Thiếu cán bộ kỹ thuật. Nông nghiệp còn rất lạc hậu, thiếu tiền vốn để xây dựng. Lại bị các nước đế quốc bao vây. Giai cấp công nhân thế giới thương yêu Liên Xô, nhưng không thể giúp đỡ về vật chất.

Vì những lẽ đó, đến đầu năm 1925 (tám năm sau cách mạng) so với năm 1913, sản xuất nông nghiệp mới đạt 87%. Công nghiệp mới đạt 75%. Tuy vậy công nghiệp và nông nghiệp đã có đà tiến tới.

Cuối năm 1925, Đại hội Đảng quyết định chương trình công nghiệp hoá

1 . Do Đảng lãnh đạo sáng suốt và toàn dân hăng hái thi đua, năm 1927, sản lượng công nghiệp đã vượt mức năm 1913, và kinh tế xã hội chủ nghĩa năm 1925 là 81%, năm 1927 tăng lên 86%.

Kinh tế tư nhân năm 1925 là 19%, năm 1927 sụt xuống 14%. Vấn đề “ai thắng ai” căn bản đã được giải quyết. Nhưng so với năm 1913 thì số lương thực mới đạt 91%, mà lương thực bán trên thị trường chỉ đạt 37%.

_______________

1. Đại hội lần thứ XIV Đảng Cộng sản Liên Xô họp tháng 12-1925 ( B.T ) .

Để giải quyết những khó khăn về nông nghiệp, Đại hội Đảng (1927) đặt kế hoạch hợp tác hóa nông thôn 1 . Đến năm 1929 - 1930, số đông nông dân đã vào hợp tác xã, do đó mà so với năm 1927, số lương thực bán ra thị trường đã tăng rất nhiều. Năm 1937, hơn 93% nông hộ đã vào hợp tác xã với 99% tổng số ruộng đất.

THỜI KỲ PHÁT TRIỂN

Kế hoạch 5 năm thứ nhất bắt đầu từ năm 1928 nhằm mục đích phát triển công nghiệp và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Công nhân đã đảm bảo hoàn thành kế hoạch trong bốn năm và ba tháng.

Kế hoạch 5 năm thứ hai bắt đầu từ năm 1933, nhằm căn bản hoàn thành cơ khí hóa nông nghiệp . So với năm 1913, sản lượng công nghiệp đã tăng gấp tám lần; nông sản bán ra thị trường gấp 40 lần. Kế hoạch này cũng đã làm xong trước thời hạn chín tháng.

Kế hoạch 5 năm thứ ba bắt đầu từ năm 1938, nhằm tăng sản lượng công nghiệp gấp đôi năm 1937, và sản lượng nông nghiệp tăng một lần rưỡi. LẠI GẶP KHÓ KHĂN Kinh tế đang tiến lên vùn vụt, đời sống của nhân dân ngày càng sung sướng thêm, thì năm 1941 phát xít Đức thình lình tiến công Liên Xô. Suốt 5 năm, toàn Đảng, toàn dân đã trút tất

_______________

1. Đại hội lần thứ XV Đảng Cộng sản Liên Xô họp tháng 12-1927 ( B.T ).

cả lực lượng vào kháng chiến. Nhân dân và quân đội Liên Xô đã đánh tan bọn phát xít dã man, đã giải phóng loài người khỏi tai họa phát xít, nhưng Liên Xô đã phải hy sinh cực kỳ nhiều . Quân phát xít Đức đã đốt phá của Liên Xô 1.710 thành thị, hơn bảy vạn nông thôn, hàng nghìn trạm máy cày, hàng vạn xí nghiệp và nông trường...

Trong 5 năm chiến tranh và cho đến hai năm sau chiến tranh, lương thực và các hàng hóa tiêu dùng đều phải hạn chế, bán theo vé.

Số thiệt hại vì chiến tranh trị giá hơn 679.000 triệu đồng rúp vàng.

LẠI RA SỨC XÂY DỰNG

Chiến tranh kết thúc chưa đầy một năm, tháng 3-1946, Liên Xô bắt đầu kế hoạch 5 năm thứ tư (1946 - 1950), và đã hoàn thành vượt mức trong bốn năm và ba tháng.

So với năm 1941, tổng sản lượng công nghiệp đã tăng 73%. Năng suất lao động tăng 23%.

Kế hoạch 5 năm thứ năm bắt đầu từ năm 1950 cũng hoàn thành trong bốn năm và ba tháng.

Năm 1955, Liên Xô đã xây dựng hơn 3.000 xí nghiệp lớn. So với năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp tăng 85%, công nghiệp nhẹ tăng 76%.

Kế hoạch 5 năm thứ sáu (1956 - 1960) nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và văn hóa xã hội chủ nghĩa, nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân, đưa Liên Xô lên chủ nghĩa cộng sản. Đại hội Đảng lần thứ XX đã quyết định: so với năm 1955,

Sản lượng công nghiệp sẽ tăng 65%,

Sản lượng nông nghiệp tăng 70%,

Năng suất lao động tăng ít nhất là 50%.

Trong chín tháng đầu năm nay, sản lượng gang thép đã bằng sản lượng cả năm 1948. Sản lượng dầu lửa gấp đôi năm 1950. Sản lượng lúa mì gấp hai của Mỹ, và củ cải đường gấp ba. So với năm 1913, năng suất lao động tăng gần gấp 10 lần.

Hiện nay, về sản lượng công nghiệp, Liên Xô đã vượt xa các nước tư bản châu Âu. Về tốc độ sản xuất sắt, than, dầu lửa, v.v. đã vượt quá Mỹ.

Năm 1956, các nông trường đã bán cho Nhà nước gần 53 triệu tấn lúa mì; năm nay ít nhất cũng được 56 triệu tấn (năm 1953 chỉ có 29 triệu tấn).

Trong bốn năm qua, ở các hợp tác xã nông nghiệp (nông trang tập thể), số thu nhập đã tăng gấp hai, ruộng đất của mỗi hợp tác xã mở rộng từ 2.000 đến 10.000 mẫu tây (năm 1949, mỗi hợp tác xã bình quân có 550 mẫu tây).

Hồi cuối tháng 10 năm nay, tờ báo tư sản Mỹ Nữu Ước thời báo viết:

“Sau Thế giới đại chiến lần thứ hai, tốc độ kinh tế của Liên Xô nhanh hơn của Mỹ nhiều. Khi công nghiệp của Liên Xô tiến lên, thì công nghiệp của Mỹ thoái lui. Năm nay, sản lượng gang của Mỹ sụt xuống 85 triệu tấn, Liên Xô thì tăng 60 triệu tấn. Tháng 4 năm nay, nghề đúc gang của Mỹ bị đình đốn, vì vậy mà sản lượng gang Liên Xô vượt Mỹ 90%... Do đó mà địa vị chính trị của Liên Xô ngày càng thêm cao. Các nước chậm tiến mua máy móc của Liên Xô ngày càng nhiều... Liên Xô có tài nguyên rất phong phú, nhân dân lại được giáo dục kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, kinh tế của Liên Xô chắc chắn sẽ tăng tiến mãi mãi...”.

Chắc không ai ngờ rằng báo tư sản Mỹ đã cố ý tuyên truyền cho Liên Xô cộng sản. Một điều rất quan trọng nữa mà tờ báo Mỹ quên không nói đến là: Đã mấy chục năm nay người lao động Liên Xô không biết thất nghiệp là gì, mà ở Mỹ thì hiện nay đang có hơn năm triệu công nhân thất nghiệp.

VĂN HÓA, GIÁO DỤC

Văn hóa, giáo dục ở Liên Xô phát triển rất mạnh. Năm nay, Liên Xô có hơn 50 triệu người theo học kỹ thuật và khoa học (học ở trường hoặc vừa làm vừa học).

Gần sáu triệu chuyên gia làm việc trong các ngành kinh tế. 767 trường cao đẳng với hơn 1.800 giáo sư và hơn hai triệu học sinh (gấp hai so với học sinh cao đẳng của tất cả các nước tư bản cộng lại).

Số kỹ sư của Liên Xô nhiều gấp hai của Mỹ.

Hơn 68.000 rạp chiếu bóng, ở thành thị và nông thôn, mỗi năm số người đi xem cộng hơn 3.000 triệu.

400.000 nhà xem sách: cứ 1.400 người thì có một nhà xem sách, ở Mỹ 21.600 người mới có một nhà xem sách.

Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới đã ba lần phóng vệ tinh to đều thành công. Cũng là nước đầu tiên đóng được chiếc tàu phá băng chạy bằng sức nguyên tử (chiếc tàu Lênin) có thể chạy một mạch quanh quả đất sáu lần mà không cần cập bến. Còn Mỹ thì ì ạch mãi mới phóng được vệ tinh nhỏ bằng quả bưởi.

ẢNH HƯỞNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI

Cách mạng Tháng Mười đã mở đường cho phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới tiến lên, và đã khuyến khích giúp đỡ những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh và thành công to lớn. Do ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười khuyến khích, trong 40 năm gần đây đã có 20 nước thuộc địa và nửa thuộc địa với hơn 1.235 triệu nhân dân đã đuổi sạch bọn thực dân đế quốc và trở nên những nước độc lập tự do. Nhiều thuộc địa khác như Angiêri, Camơrun, v.v. thì đang đấu tranh anh dũng chống thực dân đế quốc để giải phóng đất nước mình. Hơn mười năm trước đây, chỉ có Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa. Ngày nay 12 nước xã hội chủ nghĩa đã thành một hệ thống thế giới to lớn với 950 triệu người đoàn kết một lòng. Với tinh thần vô sản cao quý, nhân dân Liên Xô vừa xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở nước mình, vừa giúp đỡ các nước anh em xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, Liên Xô đã giúp các nước anh em thành lập 505 xí nghiệp to và nhà máy các loại, trị giá hơn 21 tỷ đồng rúp vàng.

Liên Xô cũng giúp đỡ một cách vô tư các nước trong phe hòa bình, thí dụ giúp tiền và kỹ thuật cho Ấn Độ lập nhà máy đúc thép mỗi năm sản xuất hai triệu rưởi tấn, giúp Ai Cập xây đập nước khổng lồ Atxuan mỗi năm tưới nước cho hàng vạn mẫu tây ruộng đất. Tóm tắt những việc trên đây cho chúng ta biết rằng từ Cách mạng Tháng Mười đến nay là 41 năm, nhân dân Liên Xô đã chịu cực, chịu khổ, kiên quyết đấu tranh vô cùng anh dũng suốt 18 năm để kiến thiết nước nhà, từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh vào hạng nhất trên thế giới.

CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI VÀ VIỆT NAM TA

Từ 1917 đến 1924, thực dân Pháp đã giăng một tấm lưới dày đặc chung quanh nước Việt Nam. Tin tức Cách mạng Tháng Mười chỉ thỉnh thoảng bí mật từ nước Pháp sang và từ Trung Quốc đến. Nhưng chính bọn chúng là người tuyên truyền đắc lực cho chủ nghĩa cộng sản và Cách mạng Tháng Mười, vì hàng ngày chúng nói xấu cộng sản, nói xấu Liên Xô bằng sách báo và bằng lời nói. Chúng làm cho nhân dân Việt Nam thường nghe đến Liên Xô và cộng sản, họ bí mật bảo nhau: Cộng sản có hại cho đế quốc tức là có lợi cho chúng ta, Liên Xô là kẻ thù của thực dân tức là anh em của các dân tộc bị áp bức.

Bàn tay bẩn thỉu của thực dân quyết không che được mặt trời chính nghĩa. Năm 1930, Đảng Cộng sản thành lập ở Việt Nam và năm sau thì có phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh.

Mặc dù thực dân Pháp khủng bố tàn tệ, ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin từ đó tung bay khắp nước Việt Nam.

Đảng của Lênin vĩ đại đã dạy cho giai cấp công nhân ta xây dựng chính đảng của mình.

Quân đội Liên Xô anh dũng đánh thắng phát xít Đức - Ý - Nhật, đã tạo điều kiện cho Cách mạng Tháng Tám của ta thành công, nhân dân ta đã thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ, Việt Nam ta đã được nhân dân Liên Xô và các nước anh em hết sức đồng tình và ủng hộ, cho nên cuộc kháng chiến của ta đã thắng lợi vẻ vang.

Từ ngày hòa bình lập lại, các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, đã khảng khái giúp ta tiền bạc và kỹ thuật để xây dựng miền Bắc nước ta tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Vô cùng biết ơn Liên Xô, nhân dịp này nhân dân Việt Nam ta cùng với nhân dân Liên Xô anh em vui vẻ tưng bừng kỷ niệm lần thứ 41 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, và cùng nhau hô to:

Tinh thần Cách mạng Tháng Mười muôn năm! Đảng Cộng sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô vĩ đại muôn năm! Tình đoàn kết vững bền trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu muôn năm! Xã hội chủ nghĩa muôn năm! Hòa bình thế giới muôn năm!

TRẦN LỰC

------------------

- Báo Nhân Dân, số 1698, ngày 6-11-1958, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.563-571.

Tin liên quan

Tiến bộ và khuyết điểm

Tiến bộ và khuyết điểm

Kinh qua cuộc phát động quần chúng đợt 3, cán bộ ta rút thêm nhiều kinh nghiệm, thu được nhiều thành tích. Nói chung là tiến bộ khá. Chính vì có tiến bộ, mà càng thấy rõ những khuyết điểm như: