Trước một phòng họp nhỏ vừa xây dựng xong, từng nhóm cán bộ đến dự hội nghị đang trao đổi ý kiến về đủ thứ chuyện lớn, chuyện nhỏ mà người ta thường trao đổi trong những giờ nghỉ. Ở một nhóm, câu chuyện xoay quanh "vấn đề thời sự nóng hổi… trước mắt" là phòng họp mới.

- Dãy cột trước hiên này không cần xây to đến 50 phân! Chỉ cần 30 phân là đủ sức chống đỡ. Cột nhà kho mới phải xây đến 50 phân.

- Tường nhà một tầng cũng không cần xây dày đến 40 phân như thế này!

- Lại còn bao nhiêu chỗ lồi, lõm không cần thiết này nữa! Tốn thêm biết bao công sức vào đó!

- Thế mà ở các công trường, chúng ta đang thiếu gạch, thiếu thợ xây,... Về phòng họp này, nếu tính toán cho chi ly, thiết kế cho thiết thực thì có thể rút bớt một phần ba chi phí.

Trong số những người góp chuyện trên đây, có người biết nghề xây dựng và người không biết nghề. Ý kiến của họ đáng quý biết bao! Tiếc thay, những điều như thế thường không được suy nghĩ, tính toán thật kỹ trước khi làm.

Trong công cuộc xây dựng kinh tế của chúng ta, mỗi năm Nhà nước bỏ ra hàng nghìn triệu đồng. Chỉ tiết kiệm 1% số vốn ấy cũng đã có thể xây dựng thêm vài nhà máy hạng vừa hoặc mấy khu nhà ở cho công nhân. Nếu cố gắng tiết kiệm 5% số vốn ấy thì có thể có thêm một vài nhà máy hạng lớn. Điều đó hoàn toàn có thể làm được. Chỉ cần mỗi người, mỗi ngành, mỗi đơn vị sản xuất và xây dựng đều thật sự quý trọng từng đồng xu, từng viên gạch, từng mẩu gỗ, mẩu sắt… của Nhà nước, và đều tính toán chi ly mọi việc trước khi làm cũng như trong khi làm.

Từ việc nhỏ đến việc lớn, trong sản xuất và công tác của chúng ta, còn bao nhiêu việc đáng suy nghĩ và cần phải suy nghĩ. Ví dụ: những hộp diêm, những bao thuốc lá, những hộp thuốc đánh răng, v.v. chỉ dùng trong nước, thì có cần phải gói giấy tốt và in nhãn đẹp, nhiều màu không? Xà phòng giặt có nhất thiết phải làm bằng dầu dừa không, hay có thể làm bằng các thứ dầu, mỡ rẻ hơn mà vẫn tốt? Trong các nông cụ cải tiến và các loại máy đơn giản, có những bộ phận nào còn có thể làm bằng gỗ thay sắt, bằng tre thay gỗ không? v.v..

Cán bộ và công nhân ta đã có nhiều sáng kiến, tiết kiệm được nguyên liệu, vật liệu, sức người. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Cái hố lãng phí đã nuốt mất bao nhiêu của cải dành dụm của chúng ta! Cái hố ấy đến nay vẫn còn há hốc, chực vùi lấp thêm bao nhiêu "công trình" không được xây dựng.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiết kiệm là một chính sách lớn, một đạo đức lớn, một nếp làm việc và nếp sống không bao giờ được lơ là. Kẻ thù chính của nó là: tệ tham ô, lãng phí, bệnh phô trương, hình thức và lối làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm.

Vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội, chúng ta hãy ra sức đánh bại những kẻ thù nguy hiểm ấy.

C.K.

-------------------------

Báo Nhân Dân, số 2149 ngày 5-2-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.