Trước kia, những nhà giàu sang thường có cái tục rởm là cho trẻ con "chọn nghề" khi chúng mới đầy tuổi. Họ bày ra trước mặt đứa bé nhiều thứ hình mẫu: nào bút nghiên, nào cung kiếm... Lại có cả cày, bừa, cả chiếc cân của người đi buôn, v.v.. Hễ đứa bé vớ vào cái gì trước, thì người ta cứ theo đó mà quyết đoán rằng về sau nó sẽ làm nghề này hay nghề khác. Tất nhiên, lúc nào đứa bé cũng "chọn con đường làm quan". Vì một lẽ rất dễ hiểu là những thứ tượng trưng cho con đường ấy đều đẹp và được bày gần nó nhất. Ấy, trong xã hội cũ, giai cấp bóc lột nắm quyền làm chủ, nên chúng nghĩ tương lai là ở trong tay chúng. Còn nhân dân lao động thì sống ngày nào biết ngày ấy, còn nói gì đến tương lai của con cái! Hoặc có nghĩ đến tương lai, cũng không thể đi xa quá hình ảnh:

Con vua thì lại làm vua,

Con sãi giữ chùa lại quét lá đa.

Trên miền Bắc nước ta ngày nay, cuộc sống đã khác hẳn xưa. Mỗi người lao động đều có thể nghĩ đến những ngày mai tươi sáng. Mỗi người mẹ, người bố đều có thể nghĩ về con mình: "Sau này nó sẽ làm thợ, sẽ lái máy cày, hay sẽ là kỹ sư, giáo sư, nghệ sĩ... Khi nó lớn lên thì nước nhà đã trải qua mấy kế hoạch 5 năm...". Mỗi người dân đều có thể nói "Mấy năm nữa, làng mình, thành phố mình sẽ khác hẳn".

Chúng ta nghĩ và nói được như thế, vì ngày nay chính chúng ta là người chủ. Chúng ta làm chủ cuộc sống mới do chúng ta xây dựng nên. Chúng ta làm chủ tương lai của mình và của con cháu mình. Cho nên, chúng ta sẵn sàng đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp chung của giai cấp, của Tổ quốc. Cách suy nghĩ, tính toán và lối làm việc của chúng ta đều phải khác hẳn trước. Không thể chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt, mà phải luôn luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích lâu dài lên trên hết. Kiên quyết xóa bỏ mọi hiện tượng trì trệ, lãng phí, đấu tranh không nhân nhượng, chống những sai lầm có hại cho công cuộc xây dựng kinh tế. Hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng. Gian lao chẳng quản, khó khăn không sờn. Như thế mới đúng là ý thức làm chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đang xây dựng cuộc sống mới.

C.K.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 2200, ngày 27-3-1960, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.537-538.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.