Tôi xin phép giới thiệu tóm tắt kinh nghiệm nâng cao sản lượng thóc lúa của Triều Tiên anh em.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1950 đến năm 1953, đế quốc Mỹ đã đốt cháy phần lớn làng mạc, phá hoại hầu hết nông cụ, giết chết hầu hết trâu bò của Triều Tiên.

Tuy vậy, sau mấy năm phấn đấu anh dũng, nông nghiệp Triều Tiên đã đạt kết quả rất tốt đẹp và vững vàng. Hiện nay, số lớn hợp tác xã đã được miễn thuế. Vài năm nữa, tất cả các hợp tác xã sẽ được miễn thuế. Đời sống của xã viên ngày càng được nâng cao.

Hợp tác xã nông nghiệp Triều Tiên gọi là nông trường hợp tác, đều là cấp cao. Mỗi đơn vị hành chính lý (làng) thành một nông trường hợp tác. Vì khí hậu rét, miền Bắc Triều Tiên mỗi năm chỉ cấy lúa một mùa.

Hẵng lấy Thanh Sơn Lý (làng Núi Xanh) làm thí dụ. Năm 1959, Thanh Sơn Lý cấy 450 hécta ruộng. Bình quân mỗi hécta gặt được 3 tấn 600 kí[1] thóc, nhiều núi đồi còn bỏ hoang.

Năm 1964, mỗi hécta gặt được 5 tấn 100 kí. Núi đồi đều biến thành vườn cây làm gỗ và cây ăn quả.

Năm nay, Thanh Sơn Lý phấn đấu để đạt mỗi hécta 6 tấn thóc.

Hiện nay, Thanh Sơn Lý có 127 người là kỹ sư và kỹ thuật viên nông nghiệp. 270 thanh niên biết lái máy cày, 5 tổ sản xuất được danh hiệu "Thiên Lý Mã", một tổ được danh hiệu "Thiên Lý Mã" 2 lần. Có 33 máy cày, 7 xe cam nhông, v.v..

"PHƯƠNG PHÁP THANH SƠN LÝ"

Thanh Sơn Lý thuộc huyện Túc Xuyên, cách thủ đô Bình Nhưỡng 55 kilômét. Năm 1960, đồng chí Kim Nhật Thành về ở trong làng suốt 15 ngày, cùng xã viên và cán bộ điều tra, nghiên cứu, bàn bạc cách đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Rút kinh nghiệm ở đó, đồng chí Kim và Trung ương Đảng đúc kết thành phương pháp lãnh đạo nông nghiệp chung cho cả nước, gọi là phương pháp Thanh Sơn Lý, gồm có mấy điểm chính:

- Cán bộ lãnh đạo phải đi sâu đi sát nông trường, hết sức giúp đỡ cán bộ cấp dưới. Cán bộ quản trị phải là người đày tớ rất trung thành của quần chúng xã viên.

- Phải kết hợp lãnh đạo toàn diện với lãnh đạo cụ thể từng việc.

- Mọi công tác đều phải do giáo dục tư tưởng chính trị dẫn đầu. Mọi người phải thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể và nâng cao đạo đức cộng sản: mình vì mọi người, mọi người vì mình.

Phải gần gũi quần chúng, mọi việc phải bàn bạc với họ. Phải phát động tinh thần tự nguyện tự giác và nhiệt tình lao động của quần chúng.

Nói tóm lại, muốn xây dựng hợp tác xã tốt, cần phải giáo dục tốt con người.

Về tổ chức - Trước kia, việc lãnh đạo nông nghiệp do nhiều cơ quan hành chính phụ trách, thành thử công việc bị phân tán. Từ năm 1962, ở mỗi huyện thành lập một "Nông trường hợp tác kinh doanh ủy viên hội". Ủy hội này thống nhất phụ trách lãnh đạo tất cả mọi việc trong nông nghiệp như: nghiên cứu, tổ chức, cung cấp tài liệu và máy móc, đào tạo cán bộ cho nông thôn, quy định kế hoạch sản xuất, điều khiển sức lao động của xã viên, v.v..

Ủy hội này không lập ở tỉnh. Vì mỗi tỉnh có từ 300 đến 400 nông trường hợp tác, quy mô quá to, điều khiển không tiện. Xã thì quy mô quá nhỏ, không đủ người, đủ sức để dùng kỹ thuật mới. Quy mô huyện thì vừa phải. Mỗi huyện có từ 20 đến 30 nông trường hợp tác, độ một vạn rưỡi hộ xã viên, trên dưới hai vạn hécta ruộng đất. Tác dụng của Ủy hội rất lớn. Thí dụ:

Huyện Túc Xuyên có 13.000 hộ xã viên với 24.000 hécta ruộng đất. Năm 1960 sản xuất 58.000 tấn thóc. Năm 1962, tuy bị hạn hán, song nhờ Ủy hội lãnh đạo khôn khéo và kịp thời, mà sản xuất tăng đến 68.000 tấn. Trong sáu tháng đầu năm 1962, Ủy hội đã trực tiếp phân phối đến tận các nông trường những thứ cần dùng như phân, vôi, tài liệu xây dựng, v.v.. Do đó mà đã tiết kiệm được nhiều phí tổn vận tải và hơn 1 vạn ngày công. Trong sáu tháng đó, cả huyện còn tiết kiệm được hơn 93 vạn công người và 32 vạn công trâu bò. Ủy hội có 140 kỹ thuật viên đến tận các nông trường giúp họ nghiên cứu tính chất và quy định chỉ tiêu sản xuất cho từng vùng ruộng. Ủy hội đặc biệt chú ý giúp đỡ những nông trường kém vươn lên, nhờ vậy mà các nông trường đều trở nên tiên tiến.

Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Ủy hội, các nông trường trong huyện thi đua với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Do đó, sản lượng mỗi năm một tăng, và Triều Tiên anh em đã giải quyết vấn đề lương thực một cách rất tốt. Sản lượng năm 1960 là 3.800.000 tấn, năm 1962 là 5.000.000 tấn, năm 1965 là 6.000.000 tấn (năm cuối cùng của kế hoạch 7 năm) năm 1967 là 6.600.000 tấn.

LÊ NÔNG

---------------------

Báo Nhân Dân, số 4022, ngày 17-4-1965, tr.2.


[1]. Kilôgam (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.