Thực dân Pháp dùng 40 vạn binh sĩ, mỗi ngày tiêu tốn 1.000 triệu đồng phơ-răng để đánh An-giê-ri, nhưng ngày càng hao binh tổn tướng. Quân kháng chiến An-giê-ri thì càng ngày càng mạnh, càng đánh càng hăng.

Muốn đứng ra điều đình để chấm dứt chiến tranh, đưa lại hòa bình giữa Pháp và An-giê-ri, vua Ma-rốc mời năm vị lãnh tụ kháng chiến An-giê-ri đến gặp, để thăm dò ý kiến.

Cách đây mấy hôm, khi năm vị ấy từ Ma-rốc đi máy bay trở về chiến khu, thì máy bay Pháp chặn bắt lại.

Thực dân Pháp hăm hở vui mừng, cho đó là đại thắng lợi. Không ngờ việc này đã đưa Chính phủ Pháp đến chỗ cực kỳ rầy rà lôi thôi:

Vua Ma-rốc tức giận, đã gọi đại sứ ở Pháp về (có nghĩa là tuyệt giao với Pháp).

Việc này cộng với việc binh sĩ Pháp xô xát với quân đội Tuy-ni-di. Thủ tướng Tuy-ni-di đã nói: “Chúng ta thà chết, chứ không chịu nhục; thà chiến đấu, chứ không chịu nô dịch”.

80 triệu nhân dân khắp Ma-rốc, Tuy-ni-di và nước A-rập khác đều sôi nổi bãi công, biểu tình chống Pháp.

Vấn đề kênh Xuy-ê đã làm cho nhân dân các nước A-rập đoàn kết chống các đế quốc phương Tây. Như thêm dầu vào lửa, việc Pháp bắt năm vị lãnh tụ An-giê-ri càng làm cho nhân dân A-rập thêm kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc. Bà con ta biết rằng thực dân Pháp có cái truyền thống kỳ quặc:

Trước đây, chúng đã bắt đày vua Ma-rốc mấy năm. Do nhân dân Ma-rốc kiên quyết đấu tranh, chúng phải mời vua trở về và phải để Ma-rốc độc lập.

Cũng vào khoảng đó, chúng đã bắt giam ông Buốc-ghi-ba mấy năm. Do nhân dân Tuy-ni-di kiên quyết đấu tranh, chúng phải mời ông Buốc-ghi-ba về làm Thủ tướng và phải để Tuy-ni-di độc lập.

Lần này, chúng bắt năm vị lãnh tụ kháng chiến An-giê-ri. Nhân dân An-giê-ri càng chiến đấu kiên quyết, lại được dư luận thế giới ủng hộ. Rất có thể thực dân Pháp sẽ phải đàm phán và phải để An-giê-ri độc lập.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 973, ngày 3-11-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.