Năm 1929, Bác từ châu Âu về tới nước Xiêm (nước Xiêm đến năm 1939 mới đổi tên là Thái Lan). Việc đầu tiên Bác làm là giúp anh em cán bộ củng cố và phát triển tổ chức Việt kiều và uốn nắn lại nội dung tuyên truyền của tờ báo. Hồi đó, tình đoàn kết của kiều bào khá chặt chẽ, mối quan hệ giữa kiều bào với bà con Xiêm cũng mật thiết.

Những nơi có trụ sở của đoàn thể như Phichịt, Oudon, Sacôn, Nakhon, v.v. Bác đều đến ở ít lâu. Anh em cán bộ, người thì làm ruộng, người thì cưa gỗ, cũng có người buôn bán nhỏ để nuôi nhau và hoạt động. Cùng lao động với anh em, ban ngày thì Bác làm "xuốn" [1], ban đêm thì thường đi chơm cá đến khuya mới về. Ở gần thị xã Oudon, Bác cùng cố Tú Ngọ (một vị cách mạng già) và các em nhi đồng đã vỡ được một cái "xuốn" khá rộng, vuông vắn và có nhiều thứ cây. Trước đây vài năm, bà con Việt kiều vẫn giữ gìn tốt cái vườn ấy.

Ở Nakhon có xảy ra một việc mà nay kiều bào còn nhớ. Câu chuyện như sau: ở Nakhon có kiều bào lương và kiều bào giáo. Kiều bào giáo có một ngôi nhà thờ. Theo thói quen, nhà nào có đám ma, đám cưới, nộp nhiều tiền thì cho gõ nhiều tiếng chuông, ít tiền thì tiếng cũng ít, không tiền thì chuông không kêu tiếng nào. Người ta nói đùa rằng cái chuông ấy áp dụng chủ nghĩa xã hội một cách trái ngược: ăn nhiều thì nó làm nhiều, ăn ít thì nó làm ít, không ăn thì nó không làm.

Trong làng giáo có một cụ già nghèo khổ, không vợ không con, ở một cái lều lụp sụp. Chẳng may ông cụ ốm, chẳng có ai trông nom. Cán bộ ta đến săn sóc ông cụ. Hôm ông cụ chết, kiều bào công giáo đến mời cha rửa tội cho ông cụ. Vì thói quen nói trên, ông cụ không có tiền, cha không rửa tội, mà chuông cũng không kêu.

Cán bộ ta vận động cả kiều bào lương và giáo quyên giúp kẻ ít, người nhiều, mua áo quần và quan tài cho ông cụ. Có lẽ vì thái độ của cha và của cái chuông kích thích mà cả lương lẫn giáo đã kéo nhau đưa đám ông cụ rất đông. Từ đó, lương giáo rất đoàn kết, không "ai" chia rẽ được nữa.

Bác thường đi thăm các trụ sở để giúp anh em cán bộ giải quyết các vấn đề, từ nơi này đến nơi kia ít nhất cũng phải đi bộ suốt một ngày. Có một lần đi đến nửa đường thì trời tối. Bác và tôi ghé vào một nhà kiều bào người Bắc làm thợ mộc. Anh chị thợ mộc đón tiếp rất tử tế. Cơm nước xong, hai Bác cháu đi nghỉ, thì cũng vừa lúc chị thợ ru cháu bé ngủ. Giọng chị ngâm Kiều rất hay, hai Bác cháu lắng nghe, rồi ngủ đi bao giờ không biết.

Sáng hôm sau, lúc đi đường, với một giọng âu yếm, Bác bảo tôi:

"Xa nhà chốc mấy mươi niên,

Tối qua nghe giọng mẹ hiền ru con!".

Mỗi khi đi đường xa, Bác thường bảo chúng tôi ngâm Kiều, đọc Chinh phụ ngâm, hoặc kể chuyện, để cho đỡ mỏi. Kinh nghiệm ấy ngày càng được nhiều người áp dụng.

Khi công việc ở các trụ sở đã tiến bộ đều, Bác định đi thăm kiều bào ở rải rác khắp nước Xiêm. Bác vai mang khăn gói. Anh Tý gánh một đôi thùng sắt tây đựng lương khô, quần áo và mấy gói thuốc Bắc. Hai anh em giả làm người đi buôn (Đồng chí Tý là con cụ Đặng Thái Thân, một chiến sĩ cách mạng, bạn cụ Phan Bội Châu, bị Pháp giết chết vào khoảng đầu thế kỷ XX. Là một trong những người tổ chức Đảng Tân Việt, anh Tý bị Tây lùng tợn phải chạy sang Xiêm. Anh tính tình hòa nhã, hoạt động rất hăng, kiều bào ai cũng mến phục. Về sau anh bị Pháp bắt đầy đi Lao Bảo. Vì anh đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh trong nhà tù, Pháp đã xử bắn anh).

Hai anh em ngày đi đêm nghỉ. Khi thì ngủ ở các chùa, khi thì ngủ ngoài thềm nhà dân, cũng có khi ngủ trên cây trong rừng. Mỗi buổi sáng, đi đến đó 11 giờ, nghe tiếng trống thì hai người rẽ vào chùa nào gần nhất bên đường. Chờ các vị sư ăn xong, hai anh em rinh mâm xuống Xiêm, làng nào ít nhất cũng có một ngôi chùa và chục vị sư mặc áo vàng. Sáng sớm các sư đi "tạc bạt" [2], mỗi nhà dân đưa xôi chuối cúng vào cái bát của mỗi vị sư. Sư cũng như tục, không nói không rằng gì hết. Theo kinh phật thì sư ăn của bố thí đó, nhưng theo tập quán thì mỗi buổi sáng vào khoảng 11 giờ, dân làng thay phiên nhau đưa của bố thí đến chùa nuôi sư. Mỗi ngày sư chỉ ăn một bữa sáng. Sư ăn còn thừa, nếu có người đi đường ăn dùm, thế là chủ nhà bố thí hai lần, hai lần có phúc. Nếu không có ai ăn thì chủ nhà cũng phải bố thí một phần cơm thừa cho chim.

Cũng như mọi lần đi đường, lần này Bác thuật lại cho anh Tý nghe một tiểu thuyết Pháp nhan đề là: "Trẻ con không nên nghe trộm". Đại ý như sau:

Hai em bé A và B đi chơi trong rừng. Bỗng trời tối, cụ tiều phu C đưa hai em về nhà cho ăn ngủ. Rồi cụ C bàn với bà làm thịt gà để ngày mai cho hai em ăn. Cụ nói: "Thịt cái lớn hay là cái bé?". Cụ bà bảo: "Nói khẽ chứ! Nói to chúng nghe sẽ chạy mất"… Hai em bé tưởng các cụ bàn cách thịt mình, đã sợ sốt vó.

Mấy hôm sau, trời đã gần tối, Bác và anh Tý đi đến một khu rừng hẻo lánh. Những người địa phương đều bẵm trợn như Trương Phi. Đi xa nữa thì không thể đi. Ở lại đây thì khá nguy hiểm. Trong lúc bí, bỗng có một người Hoa kiều đi ngang, vai năm tấc rộng, mình mười thước cao, thấy Bác và Tý đang thơ thẩn, anh ta hỏi một cách hung dữ: "Chúng mày đi đâu?".

Bác trả lời bằng tiếng Trung Quốc: "Chúng tôi đi tìm việc làm ăn".

Anh ta lại quát: "Chúng mày người ở đâu?".

Anh Tý trả lời bằng tiếng Trung Quốc trọ trẹ: "Chúng tôi là Hoa kiều".

Anh ta trợn mắt và nói như mắng: "Hoa kiều! Hoa kiều! Hoa kiều gì mà không biết tiếng Quảng Đông hử?".

Bác đỡ lời: "Hoa kiều sinh trưởng ở Việt Nam".

Anh ta lại quát: "Tối rồi, về theo tao. Đi vớ vẩn chúng nó sẽ thịt mất xác giờ!".

Bác và Tý thấy anh ta thô bạo, hơi lo ngại. Nhưng không đi theo anh ta thì đi đâu bây giờ cho nên miễn cưỡng đi theo. Đến một cái nhà sạch sẽ, bề thế, anh ta bảo hai người ngồi nghỉ. Một lát thấy chị ta (người Xiêm) đưa ra một mâm cơm ngon lành. Bác và Tý nháy nhau, có ý nói: "Không chừng có thuốc mê trong đó". Nhưng vì đói bụng quá, hai anh em cứ bạo dạn chén. Ăn xong, anh ta lại quát: "Đi theo tao".

Anh ta đưa vào một cái đường hẻm, rào rất cao và rất kín. Rồi đến một cái nhà trống trải, vừa rộng vừa cao, chung quanh có phên kín mít. Trong nhà chỉ có mấy cái giường to, và một cái đèn treo giữa nhà, không có đồ đạc gì khác.

Anh ta lại quát: "Thôi! Đi ngủ đi!". Rồi anh ta bỏ ra về.

Bác và Tý nhìn kỹ tứ phía, chuẩn bị nếu gặp nguy hiểm thì tháo chạy ngả nào. Bác khẽ bảo Tý: "Chúng mình phải cắt phiên nhau mà gác. Bây giờ mình gác, chú cứ ngủ đi. Khi nào mình ngủ thì chú dậy gác".

Bác vừa rút lời, thì một người Hoa kiều khác bước vào nhà, một tay dắt một chú bé cỡ năm, sáu tuổi một tay bưng bàn đèn thuốc phiện. Y nằm hút trên cái giường đằng xa. Vừa hút, vừa dạy chú bé hát bằng tiếng Việt: "Con công tố hộ, con gà đá độ...".

Tý ghé vào tai Bác và nói thầm: "Cha này chắc là mật thám của Pháp rồi, nếu họ không giết hại chúng mình, thì có lẽ họ cũng bắt chúng mình nộp cho giặc Pháp...".

Đi núi cả ngày, mệt mỏi đã át cả lo âu. Hai anh em ngủ say bao giờ không biết.

Thú vị nhất là lúc sáng dậy, Bác liền sờ cổ Tý, Tý cũng sờ cổ Bác, xem còn sống nữa không!

Anh chủ nhà đến, không nói năng gì, chỉ lấy tay vẫy vẫy. Bác và Tý đi theo anh ta về nhà kia, thấy một mâm cơm sẵn sàng và nhiều thức ăn hơn bữa tối qua. Lần này hai anh em không sợ thuốc mê nữa, vì thấy vợ chồng chủ nhà cùng ăn.

Ăn xong, Bác nói với chị chủ nhà: "Chúng em cảm ơn anh chị và xin phép trả tiền phí tổn...". Chị ấy chưa kịp trả lời thì anh ta lại quát: "Ai cần tiền chúng mày".

Anh ta đưa Bác và Tý đến trạm xe goòng (người ta đang đắp đường xe lửa) và bảo người cai xe: "Hai người này là đồng hương của tao, mày để chúng nó cùng đi xe đến X. Phải tử tế với chúng nó, nghe không?". Anh ta lại ân cần bảo Bác: "Đi đường phải cẩn thận. Đến X, nếu không gặp người quen thì trở về đây tao tìm việc làm cho".

Bác và Tý thành khẩn cảm ơn và từ giã anh ta. Ngồi trên xe, Bác bảo Tý: "Anh bạn Hoa kiều của chúng ta chắc chắn là một người thầu khoán kiêm "bờ lờ" [3], có tính hào hiệp thương người, thái độ bề ngoài tuy thô lỗ như cục sắt nhưng nó bao một tấm lòng tốt như vàng... Sao câu chuyện giả về hai em bé và câu chuyện thật của anh em mình giống nhau như thế".

TRẦN LAM

------------------------

Báo Nhân Dân, số 2242, ngày 9-5-1960, tr.5.


[1]. Tiếng Thái nghĩa là vườn (TG).

[2] Sư đi lấy thức ăn buổi sáng (TG).

[3]. Tiếng gọi chế giễu người buôn lậu (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.