Trung tuần tháng 3 vừa rồi, trong một bức thư nói về nguy cơ của nông nghiệp Mỹ, tổng Ken[1 ]đã thú nhận rằng: Trong 10 năm qua, thu nhập của nông dân Mỹ càng ngày càng giảm sút, trong 100 gia đình nông dân Mỹ, thì 10 gia đình phải ăn đói, đáng lẽ ăn ba phần mới đủ, thì họ chỉ có ăn một phần.

Đó là chưa kể tình trạng đói khổ của 5 triệu 70 vạn công nhân thất nghiệp.

Phải chăng vì mất mùa, vì thiếu lương thực mà người lao động Mỹ phải nhịn đói? Không phải! Chính vì lương thực của tư bản thừa quá nhiều. Thế mới ngược đời chứ!

Lương thực thừa nhiều đến nỗi Chính phủ Mỹ mỗi năm phải chi tiêu hơn 500 triệu đôla vào việc bảo quản.

Làm thế nào để giải quyết cái nạn thừa lương thực này? Một vị đại biểu Quốc hội Mỹ đề ra một ý kiến rất giản đơn. Ông ta nói: “Nếu cho mỗi công dân Mỹ ăn vừa no, thì lương thực sẽ không bị thừa nữa”.

Nhưng đối với chế độ tư bản, đó là một ý kiến ngây thơ, ngược đời.

Tổng Ken đề ra một biện pháp mà ông ta gọi là: “Lương thực dùng vào hòa bình”. Tức là đưa số lương thực thừa ứ “giúp” cho các nước chậm tiến.

Thí dụ: Mỹ trích trong số lương thực thừa đó 10.000 tấn gạo để “giúp” Philíppin, giá là 100.000 đôla, thêm vào 10.000 đôla phí tổn chuyên chở do công ty vận tải Mỹ bao. Tổng cộng là 110.000 đôla mà Philíppin phải ký giấy vay Mỹ.

Thế là Mỹ đã giải quyết được một vạn tấn lương thực thừa, lại được Philíppin mắc 11 vạn đôla nợ.

Danh nghĩa là Mỹ “giúp” Philíppin, thực tế là Philíppin giúp Mỹ đỡ khủng hoảng.

Một vạn tấn gạo Mỹ đưa đến Philíppin tất nhiên đèo thêm những điều kiện chính trị và quân sự. Chính tổng Ken đã nói: Bán lương thực thừa cho các nước chậm tiến “là một công cụ rất quan trọng của chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Lương thực thừa của Mỹ “giúp” tốt hay là xấu, rẻ hay là đắt?

Sau đây là dư luận của vài nước “bị giúp”:

“Có khi chở đến Pakixtan thì lương thực Mỹ đã hư hỏng, không ăn được nữa. Nhưng Pakixtan vẫn phải trả 40% đắt hơn giá trên thị trường thế giới” (tạp chí Pakixtan).

“Hiệp định Mỹ bán lương thực thừa cho Ấn đã giúp cho tư bản Mỹ trói buộc chặt hơn nữa kinh tế của Ấn” (tập san Lực lượng nhân dân, Ấn Độ).

“Cách “giúp” của Mỹ, thực tế là: Tay phải xoáy hết những cái gì tay trái đã cho” (tập san Liên hệ, Ấn Độ).

Dựa vào “viện trợ” mà “Mỹ xem Philíppin như người ăn xin, ngoài việc xin ăn thì không biết gì nữa” (Thời báo Manila, Philíppin).

Dùng cách bán lương thực thừa, đế quốc Mỹ vừa giữ gìn lợi ích của bọn tư bản Mỹ vừa xâm lược các nước chậm tiến. Thế là “hai bề vẹn hai”. Nhưng tổng Ken cần phải nhận rằng: “Lương thực thừa là một chứng bệnh nặng, nó làm cho kinh tế nông thôn Mỹ tổn hại nghiêm trọng... Và vấn đề đó không thể giải quyết được trong một ngày, hoặc một năm, thậm chí cả mấy năm suốt nhiệm kỳ của một tổng thống”.

Mỹ thường khoe khoang cái gì Mỹ cũng “nhất thế giới”. Thì tình trạng khủng hoảng công nghiệp và nông nghiệp, Mỹ cũng nhất thế giới tư bản.

T.L.

--------------

- Báo Nhân Dân, số 2570, ngày 3-4-1961, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.97-99.


[1] Tổng thống Mỹ Kennơđi (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.