Hiệp định Giơnevơ ký kết và “Khối cộng đồng phòng thủ châu Âu” bị bác bỏ là hai thắng lợi lớn của nhân dân Pháp. Hai thắng lợi lớn ấy mở đường cho nước Pháp khôi phục lại nền ngoại giao độc lập, mở đường cho việc phục hồi kinh tế bị kiệt quệ vì bảy, tám năm theo đuổi chính sách gây chiến của đế quốc Mỹ.

Nhưng dưới áp lực của đế quốc Mỹ, ngày 23 tháng 10, chính phủ Măngđét Phrăngxơ đã ký Hiệp ước Pari nhằm vũ trang lại Tây Đức làm cho nền độc lập của chính nước Pháp bị đe dọa nghiêm trọng. Cả thế giới đều biết, trong một phần tư thế kỷ vừa qua, nước Pháp đã hai lần bị quân phiệt Đức xâm lược. Nước Pháp ở một vị trí đầu sóng ngọn gió. Hiệp ước Pari giao cho bọn quân phiệt Đức những vũ khí nguyên tử, hóa học và vi trùng thì chính nước Pháp là nước đầu tiên sẽ phải chịu đựng những sự khốc hại do những vũ khí ấy gây nên. Nếu để thông qua Hiệp ước Pari, Chính phủ Pháp sẽ tự mình hủy bỏ đầu tiên hiệp ước liên minh và tương trợ với Liên Xô ký năm 1944. Trong trường hợp này, Chính phủ Liên Xô cũng sẽ bắt buộc phải xét lại hiệp ước ấy. Như vậy là nước Pháp sẽ mất một bạn đồng minh hùng cường nhất khi nước Pháp lâm nguy. Bức thông điệp của Bộ Ngoại giao Liên Xô gửi Chính phủ Pháp ngày 16 tháng 12 đã nói rõ tất cả những sự tai hại đối với nước Pháp và nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ Măngđét Phrăngxơ nếu Hiệp ước Pari được thông qua.

Ở Đông Dương, vâng lệnh Mỹ ký Hiệp ước Mani, thành lập khối xâm lược Đông Nam Á, đặt miền Nam Việt Nam và Cao Miên, Lào vào khu vực “bảo hộ” của khối ấy, thỏa hiệp với Mỹ trong việc ủng hộ Ngô Đình Diệm và để cho đế quốc Mỹ trực tiếp nắm quân đội Bảo Đại, những giới cầm quyền Pháp thân Mỹ đã phục vụ chính sách phá hoại hòa bình, chuẩn bị gây lại chiến tranh ở Đông Dương của đế quốc Mỹ.

Hành động như thế, họ tưởng làm lợi cho một giới thực dân Pháp nào đó, nhưng sự thật và rốt cuộc nó chỉ đưa đến chỗ cột chặt nước Pháp vào chân Mỹ và không tránh khỏi bị đế quốc Mỹ lấn át. Nhắm mắt đi theo Mỹ thì không tránh khỏi bị Mỹ bắt diễn lại cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Đông Dương mà toàn dân Pháp đã chán ghét và phản đối kịch liệt, vì nó làm cho nước Pháp suy nhược, thất bại, đẩy nhân dân Pháp hy sinh vô ích cho đế quốc Mỹ.

Quyền lợi của nước Pháp, quyền lợi của nhân dân Pháp, kể cả quyền lợi của nhiều giới tư sản Pháp đòi hỏi Pháp phải xé bỏ Hiệp ước Pari và chấm dứt chính sách theo đuôi Mỹ ở Đông Dương.

Vì hòa bình, độc lập, an ninh của nước Pháp, vì muốn nước Pháp khôi phục lại địa vị xứng đáng của mình trên trường quốc tế, nhân dân Pháp đang ra sức đấu tranh chống Hiệp ước Pari và đã đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ.

Một dân tộc có lịch sử vẻ vang như dân tộc Pháp, nhân dân Pháp nhất định không chịu lùi bước trước những sự lấn át của đế quốc Mỹ.

Trong cuộc đấu tranh chính nghĩa, nhân dân Pháp luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ nhiệt thành của nhân dân Việt Nam, người bạn kề vai sát cánh của nhân dân Pháp, người bạn không lúc nào ngừng cùng nhân dân Pháp phối hợp đấu tranh chặt chẽ chống kẻ thù chung trước mắt là chống những giới cầm quyền Pháp theo đuôi Mỹ đang mưu phá hoại Hiệp định Giơnevơ và đấu tranh để xây dựng quan hệ kinh tế và văn hóa giữa Việt Nam và Pháp trên nguyên tắc bình đẳng và có lợi cho cả hai bên.

T.L.

------------

- Báo Nhân Dân, số 297, ngày 23-12-1954, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.199-201.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.