Thoáng xem qua, chắc bà con tưởng rằng: Côlin là một nàng gái mỹ miều.

Không phải đâu. Côlin là một tướng Mỹ.

Theo âm mưu phá hoại hòa bình và ngăn cản việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, Mỹ đã ủng hộ (và bắt buộc Pháp cũng ủng hộ) tên tay sai trung thành của chúng là Ngô Đình Diệm. Một tay sai trung thành, nhưng Diệm bất tài và rất hung ác. Nó chỉ biết tổ chức những đội ám sát, áp bức ngôn luận tự do (nó đã đóng cửa gần chục tờ báo), khủng bố những người yêu Tổ quốc và chuộng hòa bình, thả bè lũ nó tống tiền bắt cóc, lừa gạt áp bức đồng bào Công giáo vào Nam để bán họ làm cu li đồn điền, v.v.. Kết quả là mọi người phỉ nhổ nó, phản đối nó.

Trước tình trạng ấy, Mỹ phái Côlin đến Sài Gòn. Vừa đến Sài Gòn, Côlin liền giở ngón “cô bồi” ra. Hắn tuyên bố trắng trợn rằng: “Tôi đến đây để ủng hộ Chính phủ Ngô Đình Diệm, và chỉ ủng hộ Ngô Đình Diệm mà thôi. Mỹ sẽ hoàn toàn phụ trách huấn luyện và trang bị cho bộ đội “quốc gia” (Bảo Đại). Hiện nay Mỹ chưa có ý định thải ngay các sĩ quan Pháp. Người Pháp phải cộng tác thật thà với người Mỹ”.

Thế là Mỹ đã ngang nhiên làm trái Hiệp định Giơnevơ, trực tiếp vũ trang cho quân đội Bảo Đại để biến dần Nam Bộ thành một căn cứ quân sự Mỹ. Mỹ đã ngang nhiên hất cẳng Pháp và lên mặt ra lệnh cho Pháp.

Vì vậy, nhiều chính khách và báo chí Pháp đã lên tiếng chống Mỹ. Nhiều đại biểu Quốc hội Pháp đã trách Chính phủ Pháp quá vâng li M về mặt chính trị cũng như về mặt kinh tế ở Đông Dương. Hội Nhân quyền Pháp đòi Chính phủ Pháp phải thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ và phản đối chính sách trắng trợn của Mỹ. Các báo chí Pháp thì phàn nàn rằng: “Đó là kết quả đầu tiên và cực kỳ tai hại do Chính phủ Pháp “hoàn toàn đồng ý” với Mỹ”.

Còn nhân dân ta và nhân dân Pháp sẽ kiên quyết phá âm mưu “cô bồi” của Mỹ và của đại biểu Mỹ là Côlin.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 270, ngày 23-11-1954, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.130-131.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.