Vì sao con cọp giấy đế quốc Mỹ cứ phùng mang trợn mắt đe dọa người ta? Phải chăng đế quốc Mỹ dám gây chiến tranh thật sự?

Không! Chắc chúng không dám. Vì phe xã hội chủ nghĩa và lực lượng hòa bình thế giới ngày càng mạnh hơn chúng. Mỹ cậy có bom nguyên tử và khinh khí; nhưng Liên Xô cũng có món ấy và những vũ khí khác tốt hơn của Mỹ (thí dụ: vừa rồi, đô đốc Mỹ và Raitơ tuyên bố rằng Liên Xô nhiều hơn Mỹ độ 500 chiếc tàu ngầm...).

Lại vì kinh nghiệm lịch sử: Trong cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai, phát xít Đức, Ý, Nhật đã bị Liên Xô đánh cho tan tành, dù hồi đó chỉ một mình Liên Xô là nước xã hội chủ nghĩa. Ngày nay các nước xã hội chủ nghĩa đã thành một hệ thống thế giới hùng mạnh với 1.000 triệu nhân dân đoàn kết chặt chẽ. Trừ phi điên rồ đến tột mực (đối với bọn đế quốc, điều đó không phải không thể có cho nên chúng ta phải luôn luôn cảnh giác) đế quốc Mỹ chắc không dám tự đâm đầu vào cái hố diệt vong.

Thế thì vì sao đế quốc Mỹ cứ hậm hực gây ra không khí căng thẳng, tuyên truyền chiến tranh mỗi năm tốn hơn 2.000 triệu đôla để phái quân đội đóng trên 35 nước phe Mỹ, thi hành chính sách “đến gần miệng hố chiến tranh”?.

Vì trong hai cuộc thế giới đại chiến, đế quốc Mỹ là người lái buôn vũ khí, đã phát tài to. Từ đó, “ăn quen, bén mùi”, kinh tế Mỹ sống nhờ nghề bán vũ khí. Nếu tình hình thế giới hòa hoãn, thì không ai mua vũ khí. Không bán được vũ khí, thì kinh tế Mỹ sẽ ô hô ai tai!

Trong số báo hàng tuần Mỹ “thảo luận xã hội chủ nghĩa” (6-1958), ông Ớptơn Xincơle, một nhà văn Mỹ nổi tiếng, đã viết:

- Chế độ Mỹ là một chế độ chạy đua theo tiền lãi, lý do duy nhất mà chế độ ấy sống còn suốt một thế kỷ rưỡi, khi thì phồn thịnh, khi thì khủng hoảng, đó là nhờ chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh... Điểm chính cần phải nhớ, là Mỹ sống trên một nền kinh tế chiến tranh. Mỗi năm, ngân sách quân sự Mỹ tồn độ 34 triệu đôla. Khi nghĩ đến cái hậu quả - nếu chúng ta xây dựng một cuộc hòa bình thật sự và chấm dứt những khoản tiêu phí về binh bị - thì ai là người đại thầu khoán Mỹ không hoảng hồn? Bạn thử đặt câu hỏi ấy trước một người kinh doanh Mỹ, thì bạn liền thấy tái mét mặt ngay. (Nếu hòa bình) thì kinh tế Mỹ sẽ đổ nát như một lâu đài làm bằng giấy...”.

Song nhân dân Mỹ cũng ghét chiến tranh, muốn hòa bình. Thí dụ: Trong việc đế quốc Mỹ xâm phạm Đài Loan, dư luận Mỹ và hơn 80% thư của nhân dân gửi cho Tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao Mỹ đều phản đối chính sách khiêu khích của Chính phủ Mỹ.

Nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới (gồm cả nhân dân Mỹ) đoàn kết phấn đấu, thì con cọp giấy đế quốc Mỹ sẽ bị xé toang.

T.L.

--------------------

Báo Nhân Dân, số 1673, ngày 12-10-1958, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.