Đi đường mà biết rõ đường, thì đi thoải mái và thấy như đường ngắn lại. Đi đường mà không biết trước những chặng phải đi qua, thì mò mẫm, không rõ xa gần, chỉ thấy đường dài thăm thẳm, đi chưa được mấy đã thấy mệt.

Chúng ta xây dựng cuộc sống mới, cũng ví như người đi đường, phải biết rõ mình ra đi từ đâu, sẽ đến đâu và phải qua những chặng đường nào. Như vậy cuộc đi của chúng ta sẽ luôn luôn hào hứng.

Trong cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, một số công nhân đã nêu lên câu hỏi: "Miền Bắc nước ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Công nhân đã cố gắng nhiều. Vì sao mức sống của chúng ta vẫn còn thấp?". Câu trả lời khá lý thú: "Chúng ta đang tiến nhanh, nhanh chưa từng có. Đời sống của chúng ta ngày một khá lên và so với lúc đầu thì đã khá hơn nhiều. Nhưng chúng ta bắt đầu đi từ một chỗ quá thấp, nên còn phải cố gắng nhiều mới lên tới chỗ cao được".

Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta. Ngay đến năm ngoái, trong sản xuất của miền Bắc, công nghiệp chỉ mới chiếm không đầy hai phần, còn nông nghiệp và thủ công nghiệp chiếm đến già tám phần. Mấy triệu nông dân và ngót một nửa triệu thợ thủ công là những người đang cung cấp phần lớn thức ăn, vật dùng cho nhân dân, hiện vẫn dùng những đồ rất thô sơ để sản xuất. Như vậy thì làm sao cho đời sống nhân dân thật dồi dào được?

Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường.

Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta: Con đường công nghiệp hóa nước nhà.

Hiện nay, chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu... Nhưng công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta.

C.K.

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2134, ngày 20-1-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.444-445.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.